Header AD

Cách chăm sóc bà bầu trong quý 1 thai kỳ tránh hậu quả sảy thay sớm

Cách chăm sóc bà bầu trong quý 1 thai kỳ tránh hậu quả sảy thay sớm: Chăm sóc bà bầu là một việc không hề đơn giản. Đặc biệt là trong quý 1 của thai kỳ, cùng với những triệu chứng ốm nghén, một số thay đổi trong cơ thể khiến bà bầu cảm thấy mệt mỏi. Dưới đây là tổng hợp các bước chăm sóc bà bầu trong từng tháng của quý 1.


Chăm sóc bà bầu tháng thứ nhất (1 – 4 tuần)


Theo cách tính 280 ngày (40 tuần) của thai kỳ, mang thai tháng thứ nhất được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối trở về sau 4 tuần. Thông thường, đến cuối tháng này, trứng được thụ tinh và đã làm tổ, thai nhi đã ''an cư'' trong bụng mẹ được 2 tuần.



Sự thay đổi về sinh lý

Trong giai đoạn này, thai phụ không có cảm giác gì đặc biệt, thường vẫn chưa biết được mình đã mang thai. Và cũng rất nhiều trường hợp sảy thai sớm trong giai đoạn này. Vì thế các mẹ cần phải lưu ý những biểu hiện của mình để có chế độ chăm sóc bà bầu hợp lý.

Độ to nhỏ của tử cung vẫn chưa có gì khác biệt so với lúc chưa mang thai. Trong thời kỳ này, những thai phụ tương đối nhạy cảm sẽ cảm thấy có triệu chứng giống như bị cảm, sốt nhẹ, uể oải. Một số ít thai phụ đã xuất hiện phản ứng mang thai như buồn nôn.

Trong giai đoạn này, buồng trứng bắt đầu tiết ra hóc môn hoàng thể. Hóc môn này sẽ kích thích tuyến vú phát triển. Thai phụ sẽ cảm thấy bầu vú hơi căng cứng, đầu vú trở nên sẫm màu và nhạy cảm hơn, chỉ cần chạm nhẹ vào là cảm thấy đau. Nhưng cũng có một số thai phụ lại không hề cảm nhận được.

Hiện trạng của bạn

- Nhịp tim tăng khoảng 10 nhịp/phút.

- Ngực hơi căng cứng.

- Có trường hợp có cảm giác buồn nôn.

- Cảm thấy mệt mỏi, uể oải.

Cách xử trí

- Đừng chống lại những cơn mệt mỏi của mình. Nếu được hãy sắp xếp thời gian để được nghỉ ngơi nhiều hơn.

- Nếu buồn nôn, hãy ăn các loại bánh nướng giòn có thể làm giảm chứng buồn nôn của bạn.

Người chồng cần biết

Trong thời kỳ này, việc chăm sóc bà bầu tháng đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào người chồng, người chồng cần quan tâm đến vợ nhiều hơn, giúp vợ giảm bớt áp lực tâm lý. Nên cùng vợ vạch ra kế hoạch cho thời kỳ mang thai.

Bắt đầu từ bây giờ, phải thay đổi thói quen không tốt như về trễ, lười làm việc,... Trong thời gian vợ mang thai, người chồng cần phải làm rất nhiều việc và dành nhiều thời gian ở bên vợ hơn. Nên cố gắng dành thời gian để đưa vợ đi khám thai theo định kỳ, một mặt là có thể chăm sóc cho vợ, mặt khác là để cho vợ cảm thấy ấm áp, vui vẻ.

Cấm kỵ trong tháng này

Một số thức ăn có thể dẫn đến sẩy thai như lô hội, cua, ba ba, hạt bo bo, cỏ sống đời,... Vì vậy trong suốt quá trình mang thai, thai phụ không nên ăn những thức ăn này.

Thai phụ nên tránh tia phóng xạ, không nên chụp X-quang bụng và ngực.
Nhiệt độ cao sẽ ảnh hường không tốt đối với thai nhi, vì vậy thai phụ không nên tắm nước quá nóng (hơn 40oC).

Chăm sóc bà bầu tháng thứ hai (5 – 8 tuần) 


Biểu hiện trong giai đoạn này. Trong tháng này, bạn tăng nhịp thở, cảm giác đầy hơi trong dạ dày. Đôi khi mệt lả, có thể táo bón, mắc tiểu thường xuyên.  Trong giai đoạn chăm sóc bà bầu tháng thứ 2 này, bạn cần chú ý những biểu hiện sau:



Sự thay đổi về sinh lý   

Kinh nguyệt bị ngưng lại. Vì vậy, nếu có xuất huyết âm đạo, dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng phải đến bệnh viện để kiểm tra. Phần lớn thai phụ bắt đầu có phản ứng mang thai như buồn nôn, ói mửa, chán ăn,... nhưng vẫn có một số thai phụ lại không hề có bất cứ phản ứng nào. Do tác dụng của hóc môn và tử cung to ra làm ép bàng quang, nên số lần đi tiểu tiện của thai phụ bắt đầu tăng lên. 

Không nên nhịn tiểu, như thế sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Thần kinh của thai phụ trở nên nhạy cảm, thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, và tinh thần thường bất an, lo âu, buồn bực, nóng nảy,... 

Thân nhiệt của thai phụ tương đối cao (cao hơn người bình thường khoảng 0,2oC). Tình trạng này có thể kéo dài đến tuần thứ 15. Khi kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, nếu phát hiện thân nhiệt tụt xuống hoặc phản ứng mang thai của mình đột nhiên chấm dứt, thì có khả năng bị sẩy thai. Thai phụ cần phải nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra. 

Hiện trạng của bạn   

- Ngực lớn và nhạy cảm hơn trước. 

- Tốc độ chuyển hóa tăng khoảng 10 – 25%. - Trọng lượng cơ thể tăng từ 0,9 

– 1,4 kg. Trong đó, thai chỉ chiếm một phần nhỏ, còn lại là do tử cung to lên và bánh nhau đang hình thành. 

Cách xử trí   

Nếu phải đi làm việc xa bạn nên thay đổi thời gian đi về để tránh giờ cao điểm vì lúc đó bạn dễ bị căng thẳng và kiệt sức. Thay đổi tính tình, nếu bạn cảm thấy tính tình bị thay đổi thất thường, hãy trao đổi với chồng để anh ấy thông cảm. Đừng tạo nên hố ngăn cách giữa hai người.   

Người chồng cần biết 

Phản ứng mang thai thường làm cho thai phụ chán ăn, tinh thần suy sụp. Lúc này, người chồng phải thông cảm cho sự thay đổi tâm trạng của vợ, nên ở bên cạnh vợ nhiều hơn, để cho vợ được thoải mái tinh thần và phải học cách chuẩn bị những món ăn mà vợ thích. 

Khi phản ứng mang thai nghiêm trọng, phải nhanh chóng đưa vợ đến bệnh viện để bác sĩ xử lý. Tháng này, nguy cơ sẩy thai vẫn còn cao. Vì vậy, không được q-u-a-n h-ệ t-ì-n-h d-ụ-c. Vì thai nhi, người chồng phải biết tự kiềm chế, tuyệt đối không được trách vợ. 

Cấm kỵ trong tháng này   

Dân gian thường có thói quen dùng những thức ăn có vị chua để giảm bớt cơn nôn nghén, thậm chí dùng những thuốc có tính axit để ngăn chặn cơn nôn. Đây là cách làm không đúng đắn. Hấp thu các chất có tính axit trong thời gian dài không những làm cho thai phụ dễ mắc một số bệnh nào đó mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Để tránh mắc một số bệnh do nhiễm khuẩn, thai phụ không nên đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao, tránh tiếp xúc với động vật và người mắc bệnh truyền nhiễm. 

Thai phụ cần lưu ý đến vấn đề này trong suốt quá trình mang thai. Sinh hoạt không nên bất thường. Tuy thai phụ dễ cảm thấy mệt mỏi nhưng nên cố gắng duy trì nề nếp sinh hoạt, bảo đảm ngủ đủ giấc mỗi ngày. Như thế mới tạo trạng thái tốt nhất cho cơ thể. Tránh tắm quá lâu trong bồn nước nóng. 

Đây là giai đoạn hình thành và phân hóa các cơ quan trong cơ thể thai nhi, nên rất dễ bị dị dạng do ảnh hưởng của nhiệt độ cao. Ngoài ra, thai phụ nên tắm vòi sen để giảm bớt nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo. Cố gắng tránh ở trong bức xạ của các thiết bị điện (ti vi, máy tính, bếp điện từ, lò vi ba) trong thời gian dài. Đặc biệt là không nên ngủ với mền điện. 

Chăm sóc bà bầu tháng thứ ba (9 – 12 tuần) 


Tháng này vẫn là thời kì dễ bị sẩy thai, vì sự kết hợp giữa lông tơ và nội mạc tử cung vẫn chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, phải cẩn thận khi làm bất cứ chuyện gì. Bụng thai phụ sẽ xuất hiện đường đen giữa bụng, bắt đầu giảm buồn và đi tiểu thường xuyên.  Chăm sóc bà bầu tháng thứ ba cần chú ý những vấn đề như sau:


Thay đổi sinh lý của thai phụ  

Khi mang thai được 12 tuần tử cung đã to bằng nắm tay. Bầu vú có cảm giác căng, đầu vú và quần vú càng sẫm màu hơn. Màu của âm hộ cũng sẫm hơn, chất phân tiết từ âm đạo càng nhiều và đặc hơn. 

Phản ứng mang thai vào tháng này càng dữ dội, triệu chứng nôn ói của thai phụ đạt đến cao trào. Do sự thay đổi của hocmone, nên tâm trạng của thai phụ càng bất an, lo âu, buồn bực, đôi lúc còn có hành vi quá khích. 

Những thay đổi về ngoại hình do mang thai là da sẽ mất đi vẻ tươi sáng mà trở nên sẫm màu, xung quanh mắt và má xuất hiện những đốm nâu, những nốt tàn nhang vốn có sẽ trở nên sẫm hơn. 

Hiện trạng của bạn   

- Bánh nhau bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ sản xuất nội tiết tố để hỗ trợ cho thai. Do vậy, nguy cơ sẩy thai có giảm đi. 

- Một đường sậm màu, gọi là đường đen, xuất hiện dọc giữa bụng do ảnh hưởng của nội tiết tố, và sẽ phai đi sau khi sinh. 

- Trên mặt xuất hiện những vết sậm màu gọi là rám da và cũng sẽ phai đi sau sinh. 

- Tử cung to bằng trái bưởi. 

Cách xử trí  

Chảy máu nướu: Đây là hậu quả của sự thay đổi nội tiết tố. Tránh chải răng quá mạnh, nhưng phải luôn giữ vệ sinh răng miệng thật tốt. 

Đi tiểu thường xuyên: Khi tiểu hãy nghiêng người tới trước để nước tiểu ra hết, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng đi tiểu lắt nhắt. Đừng hạn chế uống nước, vì lúc mang thai bạn cần nhiều nước hơn bình thường. 

Ngực nở lớn: Mua vài chiếc áo ngực loại tốt và cần mặc đúng cách. 

Các triệu chứng da: Lượng nội tiết tố gia tăng có thể sinh mụn trứng cá. Hãy rửa mặt thường xuyên, ăn nhiều rau quả tươi và uống nhiều nước. 

Người chồng cần biết   

Đây là giai đoạn thai phụ rất khó chịu, phản ứng mang thai khá nghiêm trọng, tâm trạng thường không tốt. Người chồng nên biểu hiện tình yêu của mình đối với vợ nhiều hơn, chăm sóc vợ kĩ hơn, để cho vợ được vui vẻ. Ví dụ, nếu vợ bị phù chân thì hãy giúp vợ chọn mua những đôi giày thích hợp; người vợ có thể sẽ có hiện tượng ngực căng to và vết nám do mang thai, người chồng nên thường xuyên massage cho vợ; nhắc nhở vợ tập thành thói quen ăn uống và sinh hoạt tốt. Phải tích cực học cách làm việc nhà. 

Trong thời kì thai nghén, có một công việc nhà có thể thích hợp để thai phụ làm, nhưng cũng có một số việc không thích hợp cho thai phụ như khiêng nhấc và di chuyển vật nặng, lấy đồ ở trên cao… Tất cả những việc này đều do người chồng làm. Phải tích cực tham gia giáo dục thai nhi, mua cho thai nhi những đĩa nhạc giáo dục thai nhi, nói chuyện với thai nhi nhiều hơn. 

Cấm kỵ trong tháng này   

Tháng này vẫn thuộc giai đoạn dễ sẩy thai nên vẫn phải tránh những hoạt động có thể gây sẩy thai và vẫn không thể quan hệ tình dục. 

Không được sử dụng thuốc tuỳ tiện. Những loại thuốc dưới đây có thể gây nguy hại cho thai phụ ở thời kì đầu: thuốc cảm, thuốc điều trị lao, thuốc ngủ, thuốc hạ sốt, thuốc tiêu viêm, thuốc lợi tiểu…. 

Nhưng điều này không có nghĩa là phải cố chịu đựng khi cơ thể cảm thấy khó chịu, mà phải nhanh chóng đến bệnh viện và nói rõ tình hình mang thai cho bác sĩ biết để bác sĩ cho thuốc.

Trên đây là tổng hợp cách chăm sóc bà bầu trong những tháng đầu của thai kỳ. Giai đoạn này, bà bầu rất mệt mỏi và phải kiêng đi lại mạnh, cần có sự hỗ trợ và giúp sức rất nhiều từ người chồng và những người trong gia đình.
Cách chăm sóc bà bầu trong quý 1 thai kỳ tránh hậu quả sảy thay sớm Cách chăm sóc bà bầu trong quý 1 thai kỳ tránh hậu quả sảy thay sớm Reviewed by Unknown on tháng 12 16, 2016 Rating: 5

Post AD