Header AD

Mẹ mà làm 4 món ngon này thì nhiệt miệng có khó chữa bao nhiêu cũng bay hết

Các mẹ mà nấu những món này không những ngon mát và còn rất tốn cơm cho coi nhé!



1. Bò cuốn lá cải

Nguyên liệu:
– Thịt bò thăn
– Lá rau cải xanh
– Đồ cuốn: Dứa, dưa chuột, cà rốt, chuối xanh, gừng (có thể mua thêm khế chua nếu thích).
– Bánh đa nem loại cuốn ăn sống.


Thực hiện:

Bước 1: Thịt bò thăn thái miếng dày khoảng 1cm. Đem ướp bò với tỏi bằm nhuyễn, một ít muối tiêu và dầu hào. Xoa đều bề mặt và ướp bò khoảng 30 phút.

Bước 2: Trong lúc đó bạn chuẩn bị đồ cuốn.

– Chuối xanh tước vỏ, xắt miếng nhỏ dài rồi ngâm vào bát nước sạch có pha chút muối loãng cho không bị thâm.

– Cà rốt gọt vỏ, cắt miếng.

– Dưa chuột, dứa hay khế thì bạn đều nên xắt thành những miếng có độ dài gần bằng nhau để bày vừa đẹp mắt lại dễ cuốn.

– Gừng rửa sạch, cạo vỏ, thái sợi dài.

Bước 3: Cho chảo lên bếp cho một ít dầu ăn vào đủ để láng mặt chảo, chảo nóng cho bò vào áp chảo. Xoa miếng thịt bò lên bề mặt chảo để bò hấp thu được nhiệt nhanh rồi lật mặt.

Bước 4: Cứ như thế sau 3 phút miếng bò chín, hơi vàng bề mặt là được.

Bước 5: Thái bò thành miếng vuông dài cho dễ cuốn.


Lá cải xanh rửa sạch, vẩy khô. Đặt các loại củ quả lên miếng lá cải rồi cho bò vào cuốn và thưởng thức. Có thể dùng bánh đa để cuốn ngoài cùng cho dễ ăn.

Với món bò cuốn là cải bạn dùng xì dầu pha thêm ít mù tạt (nếu ăn được hăng cay) hoặc bạn có thể pha một bạn tương gừng để chấm cũng đều hợp.
Chúc các bạn và gia đình ngon miệng với cách làm bò cuốn lá cải cho gia đình nhé!

2. Chạo chân giò

Nguyên liệu:
– Thịt chân giò: 500g
– Riềng: 150g
– 4-5 củ sả
– 3-4 quả khế chua
– 20g vừng
– 4-5 cái lá chanh
– Ớt, tỏi, muối, đường, chanh
– Rau ăn cùng: lá sung, lá đinh lăng hoặc các loại lá khác như lá mơ, rau thơm các loại.


Tham khảo cách làm chạo chân giò ngon dưới đây.

Bước 1: Thịt chân giò rửa sạch, để ráo sau đó đem thui vàng. Ngon nhất là bạn thui bằng rơm, nếu không có rơm bạn có thể quấn giấy xung quanh miếng thịt rồi thui hoặc cho lên bếp lửa thui vàng các mặt cũng được.

Bước 2: Thịt sau khi thui, rửa lại cho sạch rồi cho vào áp chảo cùng với vài lát riềng, sả lót dưới đáy chảo. Đun với lửa liu riu khoảng 15-20 phút, khi thịt chín có màu vàng sậm, mùi thơm của thịt quyện cùng mùi thơm của sả của riềng.

Bước 3: Riềng rửa sạch, thái lát sau đó cho vào cối giã nhỏ hoặc cho vào máy xay, xay nhỏ. Khế rửa sạch, gọt bỏ viền xung quanh, bỏ hạt, lõi sau đó thái lát mỏng. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ. Ớt rửa sạch, xắt nhỏ. Lá chanh rửa sạch, thái nhỏ. Vừng rang chín.

Bước 4: Thái thịt thành những miếng mỏng.

Bước 5: Thịt sau khi thái mỏng, trước hết đem bóp cùng với khế chua ở trên sao cho vị chua của khế ngấm vào thịt. Tiếp đến cho riềng đã giã nhỏ ở trên cùng vài lát ớt, chút gia vị nêm nếm cho vừa miệng. Cuối cùng rắc chút vừng, lá chanh và vài lát sả trộn đều là được.


Chạo chân giò ăn kèm với các loại lá như lá sung, lá lộc vừng, lá đinh lăng hoặc thêm chút lá mơ, rau thơm các loại. Chấm cùng tương bần hoặc nước mắm chua ngọt. Khi ăn mùi thơm của thịt nướng quyện cùng mùi thơm của riềng, sả, lá chanh tạo nên hương vị đậm đà, hấp dẫn cho món ăn này.

3.Nem bì thính

Nguyên liệu:
– Bì: 200gr
– Thịt nạc: 200gr
– Thính: 50gr
– Lá chanh, chanh, tỏi, ớt, rau thơm ăn kèm.
– Gia vị: Nước mắm, mì chính, bột canh, đường.


Cách làm:

Bước 1: Bì, thịt nạc làm sạch rồi cho vào nồi luộc với một chút bột canh. Sau đó khi bì vẫn còn nóng thái mỏng như vậy bì sẽ dễ thái và không bị dai, tương tự thái tiếp phần thịt nạc. Để riêng thịt nạc và bì ra 2 cái đĩa.

Bước 2: Lá chanh rửa sạch, thái nhỏ. Tỏi bóc vỏ băm nhỏ, ớt thái nhỏ.

Bước 3: Pha một bát nước mắm chấm: 1 thìa nước mắm, 1 thìa nước cốt chanh, 1 thìa mỳ chính và tỏi ớt băm nhỏ.

Bước 4: Dùng một chiếc âu sạch để trộn nem bì. Cứ một lớp bì thì thêm 1 lớp thịt, lớp thính. Thêm 1 ít bột canh và 1 thìa mì chính. Thêm ít ớt, tỏi băm và lá chanh thái nhỏ. Sau đó trộn đều hỗn hợp các nguyên liệu lên.

Bước 5: Cho nem bì thính ra đĩa ăn kèm lá thơm và chấm với mắm chua cay.


4.Gỏi măng thịt heo trộn thính

Nguyên liệu:
– Măng củ tươi: 300g
– Thịt ba chỉ heo: 150g
– 50g đậu phộng
– 20g vừng trắng
– 20g thính gạo
– 1 củ tỏi, ớt, lá chanh
– Gia vị: muối, đường, mì chính.
– 1 cái bánh tráng nướng.


Thực hiện:

Bước 1: Măng tươi lột vỏ, bỏ phần già, chỉ lấy phần non. Thái lát mỏng sau đó thái sợi nhỏ, ngâm nước muối loãng khoảng 60 phút, cứ 15-20 phút lại thay nước một lần cho xả hết đắng và phần độc tố trong măng.

Bước 2: Bắc một nồi nước sôi, thêm chút xíu muối và cho măng vào luộc chín khoảng 5 phút.Sau đó đổ măng ra rổ cho thật ráo.

Bước 3: Thịt ba chỉ rửa sạch, cho vào luộc chín cùng với chút muối cho thịt được ngấm. Thịt chín, vớt ra để nguội, cũng thái sợi nhỏ.

Bước 4: Đậu phộng rang chín, bóc vỏ, giã giập, chú ý món này thì đậu phộng giã nhỏ hơn so với các món gỏi thông thường nhé. Vừng trắng cũng rang chín, giã nhỏ. Lá chanh rửa sạch, thái nhuyễn. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, đập nát sau đó bằm nhỏ. Ớt rửa sạch, xắt lát.

Bước 5: Măng sau khi luộc chín, để thật ráo rồi cho vào 1 cái tô lớn, thêm thịt heo đã thái sợi ở trên vào cùng. Ướp với chút muối, mì chính, tỏi, ớt và chút xíu đường (cho vị hài hòa hơn), nêm nếm vừa miệng rồi để khoảng 15 phút cho ngấm.

Bước 6: Trước khi ăn trộn măng đã ướp gia vị ở trên với thính gạo, vừng trắng và đậu phộng, thêm chút lá chanh đã xắt nhuyễn nữa là được.


Món này ăn cùng với bánh tráng nướng đặc trưng của người miền Trung, bẻ một miếng bánh tráng nướng, xúc phập từ lòng đĩa để tất cả các nguyên liệu từ măng tươi, thịt, thính gạo, vừng, đậu phộng, ớt, lá chanh …đều có đầy đủ trên miếng bánh hòa quyện với nhau tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho món ăn này.

Chúc các mẹ thành công!
Tổng hợp Webtretho

Mẹ mà làm 4 món ngon này thì nhiệt miệng có khó chữa bao nhiêu cũng bay hết Mẹ mà làm 4 món ngon này thì nhiệt miệng có khó chữa bao nhiêu cũng bay hết Reviewed by Unknown on tháng 5 29, 2017 Rating: 5

Post AD