Header AD

Khám thai trong tam cá nguyệt 3: Những điều bác sỹ sẽ làm cho mẹ để an toàn thai nhi

Trong tam cá nguyệt thứ ba, bạn có thể sẽ cần khám tiền sản mỗi hai tuần một lần từ tuần 28 đến tuần 36, và sau đó tăng thành mỗi tuần một lần cho đến khi sinh.


Cho đến thời điểm này bác sỹ chắc hẳn đã nắm rõ về tình trạng thai kỳ của bạn, do vậy càng gần đến ngày sinh bác sỹ sẽ thường xuyên phối hợp kiểm tra thể chất của bạn, làm những xét nghiệm và trao đổi về việc sinh nở sắp tới.

Sau đây là một số bước bác sỹ sẽ thực hiện ở những lần khám này.

Hỏi bạn về tình trạng sức khỏe


Tương tự như những lần trước đây, bác sỹ sẽ hỏi thăm bạn về tình trạng sức khỏe, giải đáp những thắc mắc phát sinh từ lần khám trước, và xem lại kết quả của những xét nghiệm gần đây. Bác sỹ sẽ hỏi xem bạn có bị bất kỳ những cơn co thắt, phù nề, đau đầu hoặc có những quan ngại gì không.

Do dù bác sỹ có hỏi hay không, hãy cho bác sỹ biết về những triệu chứng bạn gặp phải, ngay cả khi những triệu chứng đó có vẻ bình thường như mệt mỏi, ủ rũ hoặc đau nhức. Đừng ngại nói cho bác sỹ biết chỉ vì lí do bạn cảm thấy bác sỹ quá bận rộn: bác sỹ của bạn có thể tiếp hàng chục bệnh nhân mỗi ngày, tuy nhiên việc mang thai của bạn vẫn là điều quan trọng nhất đối với bạn.

Hỏi bạn về thai máy

Bác sỹ sẽ hỏi xem bạn cảm thấy thai máy thường xuyên như thế nào và nhắc bạn gọi ngay cho bác sỹ trong trường hợp thai cử động ít hơn thường lệ. Bác sỹ sẽ khuyên bạn để ý đến việc thai máy và có thể yêu cầu bạn đếm số lần thai cử động trong một khoảng thời gian cố định của ngày.

Kiểm tra thể chất

Tương tự như trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn sẽ được kiểm tra cân nặng và đo huyết áp. Bạn sẽ được lấy mẫu nước tiểu để kiểm các dấu hiệu của tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu và các vấn đề khác. Cổ chân, tay, và mặt sẽ được kiểm tra về độ phù, một dấu hiệu của tiền sản giật.

Bác sỹ sẽ kiểm tra tim thai và nắn bụng bạn để đánh giá kích thước của thai nhi. Bác sỹ cũng sẽ đo khoảng cách từ xương mu đến đáy tử cung của bạn (được gọi là chiều cao tử cung) và so sánh với tuần tuổi của thai nhi, cũng như với kết quả của lần khám trước để chắc chắn rằng em bé của bạn phát triển với tốc độ bình thường. Nếu em bé quá nhỏ hoặc quá to, bạn sẽ được siêu âm để đánh giá phát triển của thai và kiểm tra lượng nước ối của bạn.

Bác sỹ có thể cho bạn biết liệu em bé của bạn đã ở vị trí quay đầu xuống dưới hay vẫn còn ở ngôi mông (mông ở phía dưới). Từ tuần 36 trở đi, nếu bác sỹ cảm thấy rằng bé vẫn ở ngôi mông hoặc không chắc chắn, bạn sẽ được làm siêu âm để kiểm tra chính xác. Nếu thật sự em bé vẫn chưa quay đầu, bạn sẽ được làm thủ thuật được gọi là ngoại xoay ngôi thai để xoay em bé lại.

Có thể bạn sẽ không cần khám cổ tử cung bằng mỏ vịt như thường lệ trong tam cá nguyệt thứ ba. Nhiều bác sỹ sẽ không làm điều đó trừ khi họ có mối quan ngại đặc biệt, chẳng hạn như nguy cơ sinh non hoặc để kiểm tra vị trí của em bé (nếu bạn gần ngày sinh và vị trí của em bé không thể xác định được qua việc sờ nắn bụng).

Nhưng nếu bạn đã quá ngày dự sinh, bác sỹ sẽ kiểm tra xem cổ tử cung của bạn có mềm, xóa (mỏng hơn) và mở ra không. Việc này sẽ giúp ích trong việc quyết định can thiệp để kích thích chuyển dạ.

Bác sỹ cũng sẽ cố xác định xem liệu em bé của bạn đã tụt xuống - nghĩa là di chuyển sâu xuống vùng khung xương chậu của bạn để chuẩn bị ra đời hay chưa. Nếu đầu của bé xuống quá thấp, sẽ rất khó để bác sỹ có thể xác định được qua việc sờ nắn bụng. Tuy nhiên bác sỹ có thể dễ dàng nhận biết qua việc thăm khám cổ tử cung.

Nếu bác sỹ của bạn không thường xuyên khám cổ tử cung nhưng bạn gần đến ngày dự sinh và muốn biết chuyện gì đang xảy ra, bạn có thể yêu cầu bác sỹ thực hiện việc này. Tuy nhiên nếu bạn được khám cổ tử cung ở giai đoạn cuối của thai kỳ, có thể bạn sẽ ra một vài đốm máu sau khi khám.

Tiêm cho bạn globulin miễn dịch nếu cần thiết

Nếu bạn mang nhóm máu Rh âm tính và cha của em bé không mang (hoặc bạn không chắc chắn), bạn sẽ được làm xét nghiệm để kiểm tra kháng thể đối với nhóm máu nhiều khả năng là mang Rh dương tính của em bé. Xét nghiệm này (được gọi là sàng lọc kháng thể) thường được tiến hành ở cuối tam cá nguyệt thứ hai khi bạn được lấy máu để làm xét nghiệm dung nạp đường glucose.

Một mũi tiêm miễn dịch Rh ở tuần 28 sẽ ngăn cơ thể bạn khỏi việc sản xuất ra kháng thể trong thời gian còn lại của thai kỳ.

Việc tiêm mũi miễn dịch Rh sẽ không cần thiết trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể bạn đang sản xuất ra kháng thể. Nếu cơ thể bạn đã có kháng thể, em bé sẽ được được theo dõi các vấn đề liên quan trong giai đoạn còn lại của thai kỳ.

Nếu bạn chưa làm xét nghiệm sàng lọc kháng thể, bác sỹ có thể làm xét nghiệm và đồng thời tiêm cho bạn mũi miễn dịch Rh ở tuần thứ 28 (do việc tiêm mũi miễn dịch không có ích cũng như không gây hại gì trong trường hợp cơ thể bạn đã sản xuất ra kháng thể rồi).

Xét nghiệm nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B

Ở giữa tuần 35 và tuần 37 của thai kỳ, bác sỹ sẽ lẫy mẫu phết tế bào âm dạo và trực tràng của bạn để xét nghiệm nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B. Nếu kết quả dương tính, bạn sẽ được cho uống kháng sinh trong quá trình sinh nở để tránh sự lây nhiễm sang em bé.

Nếu bạn đã bị viêm đường tiết niệu bởi liên cầu khuẩn nhóm B trong khi mang thai, bạn sẽ không cần phải làm xét nghiệm này ngay cả khi nhiễm trùng đã được trị khỏi, vì bạn sẽ mặc nhiên được uống kháng sinh trong quá trình sinh nở. Tương tự như vậy, bạn cũng sẽ mặc nhiên được uống kháng sinh trong quá trình sinh nở nếu em bé trước đây của bạn từng bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B.

Trao đổi về các xét nghiệm khác mà bạn cần thực hiện

Đây là một số xét nghiệm khác mà bạn có thể cần làm trong tam cá nguyệt thứ ba:

Nếu đường huyết của bạn bị tăng khi bạn làm xét nghiệm đường huyết và bạn chưa làm xét nghiệm dung nạp glucose, bạn sẽ được làm xét nghiệm này để xác định xem bạn có bị bệnh tiểu đường thai kỳ hay không.

Bạn sẽ được làm xét nghiệm máu một lần nữa để kiểm tra bệnh thiếu máu, đặc biệt là nếu bạn đã từng bị thiếu máu trong giai đoạn trước của thai kỳ.

Nếu bạn có nguy cơ cao về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn sẽ được xét nghiệm bệnh giang mai, Cladymia, lậu và HIV.

Nếu bạn được chẩn đoán bị nhau tiền đạo hoặc nhau thai bám thấp ở đợt siêu âm trước, bạn sẽ được làm thêm siêu âm trong tam cá nguyệt này để xác định vị trí bánh nhau.

Nếu thai nghén của bạn có nguy cơ cao hoặc bác sỹ lo ngại về một số vấn đề, bác sỹ có thể làm một số tầm soát (như là lập hồ sơ sinh học của thai hoặc nonstress test - tầm soát khi thai ở trạng thái nghỉ ngơi) để chắc chắn rằng em bé của bạn phát triển tốt. Những tầm soát này được làm khi nào và thường xuyên như thế nào sẽ phụ thuộc vào lý do được chỉ định làm tầm soát. Nếu bác sỹ lo ngại về việc phát triển của thai nhi, bác sỹ sẽ cho bạn làm siêu âm định kỳ để đo lường em bé và kiểm tra mức nước ối của bạn.

Nếu thai nghén của bạn bình thường nhưng bạn đã quá ngày dự sinh, bạn sẽ cần làm tầm soát để chắc chắn rằng em bé vẫn khỏe mạnh. Giữa tuần 40 và 41 của thai kỳ, bạn sẽ cần làm hồ sơ sinh học đầy đủ hoặc nâng cao, ví dụ như kèm theo nonstress test để kiểm tra nhịp tim của em bé và siêu âm để đo lượng nước ối. Những tầm soát này sẽ được thực hiện hai lần một tuần và sẽ giúp bác sỹ trong việc quyết định xem liệu có an toàn để tiếp tục chờ đợi đến khi bạn chuyển dạ tự nhiên.

Cho dù mọi thứ diễn ra có vẻ bình thường, bác sỹ vẫn sẽ giục sinh cho bạn nếu em bé của bạn vẫn chưa chịu ra đời ở tuần thứ 42. Vào lúc này, rủi ro cho sức khỏe của bạn và em bé tăng rất cao. Nếu cổ tử cung của bạn đã chín muồi, bạn còn có thể được giục sinh sớm hơn.

Cung cấp tư vấn tiền sản

Ngay khi tam cá nguyệt này bắt đầu bác sỹ sẽ cho bạn biết về các dấu hiệu của dọa sinh non và tiền sản giật, cũng như những dấu hiệu khác (chảy máu âm đạo hoặc thai máy ít hơn) cần phải lập tức gọi bác sỹ. Bác sỹ sẽ lược qua những thay đổi bình thường có thể xảy ra kể từ giai đoạn này cho đến lần khám tiếp theo và cho bạn biết nếu có bất kỳ mối lo ngại nào.

Khi gần đến ngày dự sinh, bác sỹ sẽ trao đổi về dấu hiệu chuyển dạ và cho bạn biết khi nào thì bạn cần gọi bác sỹ.

Trả lời những câu hỏi về chuyển dạ và sinh nở
Đây là thời điểm thích hợp để bạn nhận được giải đáp cho những thắc mắc của bạn về việc chuyển dạ và sinh nở của bạn sẽ diễn ra như thế nào.

Những câu hỏi thường gặp bao gồm:

Bác sỹ có ở bên cạnh tôi trong suốt quá trình chuyển dạ?

Các y tá có trực thường xuyên hay mỗi một cô y tá sẽ phụ trách nhiều bệnh nhân cùng một lúc?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi bị vỡ ối hoặc tôi chuyển dạ vào giữa nửa đêm?

Một vài vấn đề trên sẽ được giải đáp trong khóa học tiền sản, tuy nhiên đừng ngại hỏi bác sỹ về vấn đề bạn quan tâm. Việc chuẩn bị một kế hoạch sinh nở sẽ làm rõ các mối quan tâm của bạn.

Trao đổi về dự định sau khi sinh

Vì bạn sẽ không còn sức để ra những quyết định quan trọng ngay sau khi sinh, bây giờ là thời điểm thích hợp để suy nghĩ xem liệu bạn có muốn bé trai của bạn được cắt bao quy đầu, bạn có dự định nuôi con bằng sữa mẹ, hoặc bạn có muốn thực hiện các phương pháp tránh thai sau khi sinh hay không. Và tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể thay đổi quyết định của mình từ thời điểm này cho đến lúc đó.

Và nếu bạn chưa tìm được bác sỹ nhi cho em bé của bạn, bác sỹ sản khoa có thể sẽ đưa ra một vài gợi ý.

Theo Webtretho

Khám thai trong tam cá nguyệt 3: Những điều bác sỹ sẽ làm cho mẹ để an toàn thai nhi Khám thai trong tam cá nguyệt 3: Những điều bác sỹ sẽ làm cho mẹ để an toàn thai nhi Reviewed by Unknown on tháng 5 29, 2017 Rating: 5

Post AD