Cả nhà suýt chết vì bát cà muối xổi, tất cả là do chất độc này nhưng ít người biết đến
Cả nhà anh D. phải nhập viện vì ăn cà muối, riêng anh D. bị nặng nhất phải nằm viện cả tuần.
Tai họa từ bát cà muối xổi
Anh Bùi Văn D. trú tại Đông Hưng, Thái Bình vẫn không thể nào quên vụ ngộ độc thực phẩm cách đây hơn 1 năm của cả gia đình mình. Anh D. kể bữa tối hôm đó cả nhà anh ăn cơm với rau muống, cà muối và thịt kho. Rau muống nhà trồng ở vườn, thịt kho từ bữa trưa để lại. Chỉ duy nhất cà muối là mẹ anh muối từ hôm trước đến buổi tối chua ngầu cả nhà lấy ra ăn.
Đến đêm, anh D. thấy bụng đau, lúc đau râm rẩm sau đó đau dồn và cơn đau tăng lên. Tiếp đến là vợ anh và mẹ. Bố anh người duy nhất không ăn cà muối thì không sao. Cả nhà đau, vợ anh còn khóc khi không chịu nổi. Từng đau đẻ nhưng với họ đây là lần đau đớn kinh hoàng nhất.
Mẹ anh đau lịm đi, cả nhà gọi xe cấp cứu đưa thẳng lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thức ăn. Riêng anh D. bị nặng nhất, bị sốc nên phải nằm viện cả tuần.
Khi ra viện, mẹ anh D. mới kể bà mua cà của người quen trồng ở ven ruộng lúa. Ruộng lúa vào dịp phun thuốc trừ sâu nên thuốc bám cả vào quả cà. Vì nghĩ phun dưới ruộng nên người bán cà cũng chủ quan bán cho gia đình anh D.
Đến nay, mỗi lần nói đến cà muối là cả nhà anh D, đều sợ hãi.
Không chỉ nỗi lo quả cà nhiễm độc do phun thuốc trừ sâu, câu cửa miệng của các cụ ta thường nói “một quả cà bằng ba đồng thuốc”. Có lẽ vì thế mà cà pháo muối không tốt cho sức khoẻ nhiều lắm.
Chị Chu Thu Hà trú tại Kim Liên, Hà Nội cho biết từ lúc sinh ra cả nhà chị đã nói không với cà muối. Bố mẹ chị thường nhắc nhở con cái về tác hại của quả cà. Nghe bạn bè khen cà muối, canh cua đưa cơm nhưng cứ nghĩ đến nó không tốt cho sức khoẻ là chị Hà không dám ăn.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa, quả cà nếu biết cách sử dụng nó không độc hại. Hiện nay cà thường tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, trong quả cả có nitrat do tồn dư trong rau khi sử dụng phân bón hoá học. Khi muối cà thường có sự biến đổi Nitrat thành Nitrit. Nitrit là tiền chất gây ung thư.
Ngoài ra, người dân có thói quen muối dưa trong các hộp nhựa, thùng sơn, đây là cách làm rất độc hại, không tốt cho sức khoẻ.
Những ai không nên ăn cà?
Theo lương y Vũ Quốc Trung, Phòng khám y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội quả cà là một thực phẩm, trong đông y quả cà được gọi là di tử, ải tử. Người dân hay gọi là cà pháo.
Trong thân, lá, hoa và quả cà pháo có chứa một ít chất độc. Loài cà nào có vị đắng nhiều tức là chất độc càng cao. Chất độc trong cà thường được biết tới là các alkaloids.
Thói quen ăn cà muối chưa chín, cà muối xổi, cũng rất nguy hiểm vì trong quả cà pháo còn có một lượng solanin độc. Quả cà chưa muối chín có lượng solanin cao hơn nhiều so với quả chín. Solanin rất độc, thậm chí với hàm lượng rất nhỏ.
Theo Đông y, cà pháo có tính hàn (thậm chí rất hàn), vì vậy kiêng dùng đối với người hư hàn, thận trọng khi phối hợp với các thức ăn hàn, nên ăn kèm các gia vị có tính ôn như: tỏi, ớt, sả… Người mới đau dậy, suy nhược không nên ăn cà, càng không nên ăn sống. Khi cơ thể vừa mới khỏi bệnh, hoặc đang bị bệnh (cảm, tiêu chảy…) ăn cà, bệnh sẽ nặng hơn. Chính vì vậy, người vừa mới ốm dậy, phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh cần lưu ý không nên ăn cà pháo.
Ngoài ra do đặc tính cà muối mặn nên người có bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh gan không nên ăn dưa, cà muối chua vì chúng chứa nhiều muối, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi cho sức khỏe.
Theo Webtretho
Cả nhà suýt chết vì bát cà muối xổi, tất cả là do chất độc này nhưng ít người biết đến
Reviewed by Unknown
on
tháng 5 26, 2017
Rating:
Post a Comment