Đọc vị “ngôn ngữ” của bé
Không khó để một bé 2 tuổi nói ra ba từ: “Con yêu mẹ”, vậy với các bé từ 0-2 tuổi, khi ngôn ngữ chưa đủ để diễn tả cảm xúc, bé thể hiện tình yêu với mẹ thế nào?
Hãy ngắm nhìn bé vào mỗi sớm mai thức dậy, nếu bạn thấy con có những cử chỉ đáng yêu dưới đây, bạn có thể tự dịch là: “Con yêu mẹ, yêu mẹ nhiều lắm”. Đó chính là “ngôn ngữ” mà bé muốn truyền tải cho mẹ.
Dấu hiệu 1: Nhìn chằm chằm vào mắt mẹ
Bé nhìn rất lâu, không muốn chớp mắt, ánh mắt toát lên niềm vui, sự hạnh phúc. Đó là dấu hiệu bé thu hút sự chú ý của mẹ và đang cố gắng để biết, ghi nhớ nhiều hơn về gương mặt mẹ.
Dấu hiệu 2: Luôn quay đầu về phía mẹ
Bé đã nghe được từ 20 tuần tuổi trong bụng mẹ. Và khi bé ra đời, tiếng nói của mẹ luôn mang đến cho bé cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái nhất. Nếu mẹ và bà ngoại nói chuyện, bé sẽ quay đầu về phía bạn ngay. Bé biết rằng, mẹ là người luôn luôn ở bên bé, cho bé sự yên tâm.
Dấu hiệu 3: Nín khóc, thư giãn khi mẹ bế bồng
Bé chẳng tìm thấy ở đâu sự an ủi ngọt ngào như khi ở trong vòng tay mẹ. Khi nghe tiếng nói, ngửi thấy mùi hương, nhìn thấy gương mặt quen thuộc, bé rất thoải mái, vui vẻ. Bé dễ nín khóc khi mẹ dỗ dành, yêu thương.
Dấu hiệu 4: Cười với mẹ
Từ 6 tuần, bé sẽ nhìn vào mặt mẹ và nở nụ cười đẹp như thiên thần – Nụ cười xã hội đầu tiên. Đây là bước phát triển mới, thể hiện khả năng tương tác tình cảm của bé với thế giới xung quanh. Hãy cười lại với bé, bé sẽ vô cùng hạnh phúc và lại tặng mẹ thêm rất nhiều nụ cười khác nữa.
Dấu hiệu 5: I a trò chuyện
Khi được 2 tháng, bé sẽ bắt đầu cố gắng trò chuyện với mẹ bằng những tiếng i a mà bạn không thể dịch nghĩa. Khi bạn nói lại, bé lắng nghe và tiếp tục trò chuyện. Bé ngủ ngon, tinh thần vui vẻ, khỏe mạnh, bé càng tỏ ra tinh anh, muốn trò chuyện, tương tác với mẹ nhiều hơn.
Dấu hiệu 6: Mắt bé sáng lên khi thấy bạn
Từ 6 tháng, bé đã nhận ra người quen thuộc, bé có thể yêu những người khác nhưng không ai đặc biệt như bố mẹ trong ánh mắt của bé. Khi bạn bước vào phòng, bé “nồng nhiệt” đón chào mẹ bằng ánh mắt sáng rực cùng những cái quơ tay, quơ chân hoặc cả tiếng u ơ, i a trò chuyện. Đó là bằng chứng cho thấy bé rất hạnh phúc và bé thực sự yêu bạn.
Dấu hiệu 7: Cười khúc khích
Bạn cù lét, vuốt ve bàn chân, tay bé hoặc thổi nhẹ vào mặt, vào tai con, bé vui sướng đáp lại bằng những tràng cười khúc khích. Sau một thời gian, bé biết rằng mẹ hiểu những gì mình thích và thậm chí sẽ cười khúc khích ngay khi bạn có dấu hiệu diễn trò với bé. Đó là một kết nối thực sự giữ mẹ và con.
Dấu hiệu 8: Lo lắng, khóc lóc khi xa mẹ
Vào khoảng 9 tháng đến 1 tuổi, hầu hết các bé đều khóc khi tách ra khỏi mẹ, ngay cả khi bé ở lại với người thân quen như bà ngoại, bà nội. Những giọt nước mắt là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy con yêu bạn.
Dấu hiệu 9: Núp sau mẹ khi cảm thấy bất an
Khi lớn hơn, bé bắt đầu khám phá, học hỏi thế giới xung quanh, làm quen với nhiều con người và sự vật mới. Thấy những gì không quen thuộc, bé liền chạy về núp sau mẹ hoặc đòi mẹ bế lên, xem mẹ như là lá chắn. Bé bắt đầu làm quen với những điều mạo hiểm, sự độc lập hơn nhưng bố mẹ vẫn là chốn an toàn và bình yên nhất. Bởi vậy, bạn cho con thỏa sức khám phá nhưng nên ở gần đó để trấn an khi bé cần.
Dấu hiệu 10: Nhìn khuôn mặt, hiểu cảm xúc của mẹ
Bé hiểu được sự thay đổi cảm xúc trên khuôn mặt của cha mẹ. Đó là lý do, khi bạn cười, bé cũng vui vẻ cười. Khi bạn căng thẳng, sợ hãi, bé cũng lo lắng, thậm chí òa khóc. Phản xạ này có từ giai đoạn sơ sinh nhưng rõ rệt hơn khi bé được 9 đến 18 tháng.
Dấu hiệu 11: Bản sao hành vi của mẹ
Bạn nói hay làm gì, bé lặp lại như một con vẹt. Thậm chí, từng cử chỉ của bạn cũng bị bé nhái lại ngộ nghĩnh. Bắt chước là hình thức bé nịnh nọt mẹ một cách chân thành và đối với trẻ mới biết đi, đó còn là một cách thể hiện sự tôn trọng và tình yêu.
Bí quyết cho bạn:
Cách thể hiện tình yêu của bé trưởng thành hơn theo sự khôn lớn. Để bé khôn lớn thêm mỗi ngày, ngoài dinh dưỡng, môi trường chăm sóc, giấc ngủ sâu và liền mạch góp phần vô cùng quan trọng. Trong giấc ngủ, hormone tăng trưởng sản xuất ra nhiều nhất, não cũng làm việc hiệu quả, giúp bé học hỏi, ghi nhớ tốt. Khi bé ngủ ngon, buổi sáng thức dậy sẽ có tinh thần sảng khoái, tinh anh và tràn đầy năng lượng để học hỏi, khám phá và thể hiện tình yêu thương, sự khôn lớn với cha mẹ.
Theo SKĐS
Đọc vị “ngôn ngữ” của bé
Reviewed by Unknown
on
tháng 4 13, 2017
Rating:
Post a Comment