Những loại cây cảnh đẹp nhưng chứa chất cực độc, người trồng ít ai biết
Trong lá, hoa, quả của những cây cực độc này chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể người, thậm chí dẫn đến tử vong nếu ăn phải lượng lớn.
Thời gian qua, đã có không ít trường hợp học sinh, trẻ em ở nhiều nơi bị ngộ độc do ăn quả của một số loài cây, hoa được trồng trong khuôn viên trường học, bờ rào hoặc thậm chí ngay trong vườn nhà.
Dù chỉ được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang ít người để ý, nhưng trong một số bộ phận của những cây này chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể người, thậm chí dẫn đến tử vong khi ăn phải.
Vì vậy, tốt nhất không nên trồng những loại cây cực độc này hoặc nếu thấy trong vườn, hàng rào có mọc thì nên chặt ngay để đảm bảo an toàn cho mọi người.
1. Cây ngô đồng
Có 2 loại ngô đồng là ngô đồng cảnh và ngô đồng thân gỗ. Hai cây này thuộc 2 họ hoàn toàn khác nhau.
Cây ngô đồng cảnh
Cây ngô đồng cảnh có tên khoa học là Jatropha podagrica Hook.f thuộc họ cây thầu dầu Euphorbiaceae. Ở Việt Nam, loài cây này có tên thường gọi là cây dầu lai có củ, sen lục bình, ngô đồng nước Pháp. Cây có dáng đẹp, lá xanh quanh năm và cụm hoa độc đáo, lâu tàn, gốc phình to, xù xì, mập, phân nhánh ít, lá có cuống đính gần gốc, màu xanh bóng, nhẵn, đẹp.
Mặc dù trong y học cổ truyền, thân, lá và nhựa cây ngô đồng cảnh có tác dụng chữa một số bệnh, nhưng quả và hạt lại chứa chất curcin rất độc. Nếu không may ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, bỏng rát ở họng. Trường hợp ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương, rối loạn tim mạch, xuất huyết tiêu hóa, nguy hiểm đến tính mạng.
Cây ngô đồng thân gỗ
Ngô đồng thân gỗ lại không độc hại như loài cây cảnh cùng tên. Cây ngô đồng thân gỗ có tên khoa học là Firmiana simplex thuộc họ Trôm Sterculiaceae, có thể cao đến 7m, thường mọc hoang trong rừng. Ở nước ta, ngô đồng cây gỗ còn được gọi là cây Bo rừng, Trôm đơn, được gây trồng bằng hạt để lấy sợi, cũng có nơi trồng làm cây cảnh.
Vỏ và hạt cây ngô đồng thân gỗ thường được dùng để làm đen tóc, chữa rụng tóc, bệnh ngoài da, lở loét miệng. Rễ cây có thể dùng chữa thấp khớp dạng thấp, lao phổi và thổ huyết, đòn ngã tổn thương, bạch đới, bệnh giun đũa.
2. Cây trúc đào
Trúc đào (tên khoa học là Nerium oleander), là một trong những loài thực vật có độc tính cao nhất và chứa nhiều hợp chất có độc, nhiều hợp chất trong số này có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em.
Y học cổ xưa cũng đã công nhận trúc đào rất độc, chất độc này có thể lưu lại rất lâu, đến nỗi nếu con người ăn thịt súc vật chết vì lá trúc đào sẽ bị ngộ độc, uống nước có lá trúc đào rơi vào cũng bị ngộ độc.
Khi ăn phải các bộ phận của cây, sẽ bị các triệu trứng tiêu hóa như buồn nôn, tiết nhiều nước bọt, tiểu chảy, ăn nhiều còn có thể hôn mê và tử vong. Các chuyên gia khuyên trong mọi trường hợp phải đưa bệnh nhân tới bệnh viên ngay lập tức, thực hiện kích thích gây nôn và rửa ruột.
3. Cây huỳnh anh
Cây huỳnh anh có tên khoa học là Allamanda cathartica, thuộc họ trúc đào, mọc dạng bụi leo, hoa vàng rực hình quả chuông khá đẹp mắt nên thường được trồng làm cảnh hoặc trồng bờ rào. Tuy nhiên, đây là một trong những loài thực vật có chứa chất độc từ vỏ cây, hoa, lá, hạt, và cả nhựa mủ.
Khi ăn phải những bộ phận trên, sẽ bị rối loạn tiêu hoá, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng. Hoặc đối với những người da nhạy cảm, chỉ cần sờ phải nhựa trắng của cây cũng gây mẩn ngứa, nổi mề đay trên da.
4. Cây huỳnh liên (thông thiên)
Đây là loài cây thuộc họ trúc đào, xuất xứ từ Trung Mỹ, thường được trồng làm cảnh vì có lá hình mác, hoa màu vàng hoặc vàng cam rất đẹp. Tuy nhiên toàn bộ cây huỳnh liên đều chứa chất độc cardiac glycosides, thevetin, neriin,... rất khó phân hủy, có thể gây tử vong ở người nếu ăn phải, đặc biệt là hoa, lá, quả và hạt.
5. Cây hoa bông tai
Bông tai là loài cây thân thảo, cụm hoa có dạng tán ở ngọn thân, cánh hoa dính nhau ở phần góc và rũ xuống. Cây hoa bông tai thường được trồng nhiều ở các sân vườn làm cảnh với màu đỏ cam rất đẹp mắt. Tuy nhiên, nhựa cây lại có chứa chất độc. Nếu hái hoa bị dính nhựa vào tay sau đó cho tay vào miệng có thể gây ngộ độc cấp. Đối với người có cơ địa yếu, có thể dẫn đến hôn mê.
6. Cà độc dược
Cà độc dược (Datura metel L., thuộc họ cà Solanaceae) là loại cây hay mọc hoang ven đường hoặc trong vườn, cũng có thể trồng làm cảnh. Cây cao đến 2m, phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, quả hình cầu màu lục.
Theo Đông y, hoa cà độc dược có tác dụng ngăn suyễn, giảm ho, chống đau, lá cây cũng là vị thuốc ngừa cơn hen, giảm đau bao tử, chống say tàu xe, nhưng vì cây có độc tính cao nên chỉ dùng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Khi bị ngộ độc, sẽ có hiện tượng giãn đồng tử, mờ mắt, tim đập nhanh, giãn phế quản, môi miệng khô, khô cổ đến mức không nuốt và không nói được. Chất độc tác động vào hệ thần kinh trung ương, có thể gây tử vong do hôn mê.
Theo Eva/ Khám phá
Những loại cây cảnh đẹp nhưng chứa chất cực độc, người trồng ít ai biết
Reviewed by Unknown
on
tháng 4 26, 2017
Rating:
Post a Comment