Header AD

'Bắt mạch' những cơn đau hậu sản và cách để chị em 'chế ngự' nhanh chóng

Mang thai và sinh nở là cả một quá trình gian nan, mạo hiểm của bất kỳ người làm mẹ nào. Sau sinh, những cơn đau hậu sản khiến cho các bà mẹ khổ sở và khó chịu.


Đau bụng

Khi sinh con, em bé được đưa ra từ tử cung người mẹ, cử động này sẽ khó tránh tình trạng đau bụng hậu sản. Thông thường, phụ nữ sau khi sinh 2 đến 4 ngày, tử cung sẽ dần co lại nên phần bụng dưới sẽ xảy ra những cơn đau âm ỉ. Đặc biệt là trong thời gian cho con bú, cơn đau sẽ càng rõ rệt hơn.

Tử cung co lại là quy luật tự nhiên nhằm ngăn chặn xuất huyết quá nhiều và thúc đẩy bài tiết các “dịch bẩn” ra ngoài. Sau sinh khoảng 3 đến 4 ngày, tình trạng đau bụng sẽ tự biến mất.

Do là hiện tượng tự nhiên nên rất khó để mẹ thoát khỏi cảnh đau bụng sau sinh. Nếu bạn cảm thấy vẫn chịu được thì cơ bản là không cần có biện pháp can thiệp nào, có thể nhẹ nhàng massage bụng hoặc chườm túi nóng và thuận theo tự nhiên, đợi cơn đau mất đi sau vài ngày. Tuy nhiên nếu cơn đau khó chịu hơn bình thường thì không nên tự ý điều trị, tốt nhất là xin tư vấn của bác sĩ.


Đau bộ phận sinh dục

Tình trạng này đa số xảy ra ở phụ nữ sinh thường. Sau khi sinh con, từ âm đạo kéo dài cho đến trực tràng đều có thể sẽ gây đau, do những bộ phận này là “con đường” mà em bé phải đi qua để ra khỏi cơ thể mẹ, khiến các cơ giãn nở và sưng phù trong quá trình sinh nở, thêm vào vết rạch và khâu vá ở âm hộ khiến các cơ bị tổn thương nhiều.

Trường hợp thai nhi quá lớn nên khi bé chào đời sẽ khiến âm đạo giãn quá rộng, tạo thành tụ huyết và tổn thương nghiêm trọng. Những nguyên nhân này đều khiến mẹ bị đau bộ phận sinh dục sau khi sinh con, thậm chí cười hay nói lớn tiếng cũng cảm thấy đau.

Không giống như đau bụng nên chườm nóng, cơn đau ở bộ phận sinh dục có thể cho vài viên đá nhỏ vào chiếc khăn mỏng và tiến hành chườm lạnh ở nơi bị đau. Nếu vẫn không giảm bớt sự khó chịu, bác sĩ có thể cho bạn thuốc giảm đau. Ngoài ra, chú ý các vấn đề sinh hoạt hằng ngày sau sinh như tránh tư thế tạo ra áp lực lên bộ phận bị đau, tốt nhất là ngủ nằm nghiêng, không ngồi hay đứng quá lâu. Lúc ngồi, bạn nên lót chiếc gối hay tấm nệm mềm.

Mẹ cũng có thể tập vài động tác giúp tổ chức cơ ở cơ quan sinh dục nhanh chóng phụ hồi. Phương pháp thực hiện là làm động tác nín tiểu để thu chặt các cơ ở âm hộ và cửa hậu môn, duy trì 8 - 10 giây rồi dần dần thả lỏng các cơ và cũng giữ trong vài giây, mỗi ngày thực hiện khoảng 20 lần như thế.

Đau xương mu (xương nằm trong xương chậu)

Sau khi sinh em bé, không ít bà mẹ lúc đại tiện, cầm vật nặng hay ngồi xổm đều cảm giác đau ở xương mu, nghiêm trọng còn có thể không mở chân được, không có sức lực ở chi dưới. Nguyên do là lúc sinh con, các dây chằng ở xương mu và khu vực xung quanh bị tổn thương nên cần có thời gian khoảng vài tuần mới có thể phục hồi.

Để ngăn ngừa chứng đau xương mu hậu sản thì từ lúc mang thai, mẹ nên cố gắng tránh mang vác vật nặng, không ngồi xổm, hoạt động nhẹ nhàng, chú ý nghỉ ngơi. Sau khi sinh, bạn có thể dùng dây quấn đàn hồi để cố định phần xương mu, hỗ trợ khu vực này nhanh chóng hồi phục, hạn chế việc lên xuống cầu thang, lúc đi nên giữ tốc độ chậm rãi, bước đi không nên quá dài để tránh cơn đau nặng thêm.


Đau cơ

Bình thường khi mang vác hay di chuyển vật nặng, nếu dùng quá sức sẽ dễ khiến các cơ bị kéo giãn và tổn thương. Phụ nữ khi sinh con cũng phải dùng nhiều sức như vậy nên chuyện đau cơ hay dây chằng cũng là tình trạng thường thấy. Thêm vào việc khi sinh nở sẽ bị mất nhiều máu khiến cho khí huyết thiếu hụt, lỗ chân lông toàn thân giãn nở dễ bị phong hàn xâm nhập cơ thể, gây ra các cơn đau nhức cơ, đặc biệt là cơ ở giữa hai chân càng đau rõ rệt hơn.

Mẹ nên chú ý giữ ấm là vấn đề then chốt nhất để giảm bớt cơn đau cơ, thường xuyên massage nhẹ nhàng ở những nơi bị đau để nhanh chóng phục hồi sự dẻo dai và khỏe mạnh của các cơ.

Đau ngực

Đây là tình trạng mà hầu hết các bà mẹ sau sinh đều gặp phải. Do tác dụng của hormone, sau khi sinh khoảng 2 đến 3 ngày, hai bầu vú dần dần xung huyết, phình to ra để tiết nhiều sữa. Nếu ống dẫn sữa chưa hoàn toàn thông suốt hoặc lượng sữa quá nhiều sẽ dễ ứ đọng bên trong bầu vú, gây ra sưng phù và đau nhức. Để hạn chế cơn đau ngực, bạn nên cho em bé bú sữa mẹ sớm nhất có thể giúp làm thông bầu vú. Chườm nóng hoặc massage ngực cũng góp phần hỗ trợ làm thông tuyến vú.


Đau cổ tay

Do trong thai kỳ, nội tiết tố trong cơ thể thay đổi khiến dây chằng ở cổ tay thai phụ bị phù thủng, các cơ trở nên yếu ớt hơn; thêm vào việc bế con không đúng tư thế sau khi sinh sẽ càng khiến các cơn đau ở nơi cổ tay rõ rệt hơn. Mẹ nên chú ý giữ ấm, hạn chế tiếp xúc với nước lạnh; bế con đúng tư thế, nhất là không dùng một tay để bế con; kiên trì thực hiện các động tác co duỗi cổ tay, ngón tay. Nếu nghiêm trọng có thể nhờ bác sĩ tư vấn để điều trị bằng tia hồng ngoại.

Đau bàng quang

Khi mang thai, nếu em bé quá lớn hay vị trí bị sai lệch gây áp lực lên bàng quang sẽ khiến mẹ dễ mắc chứng tiểu đêm. Sau khi sinh, đau bàng quang thường xảy ra nếu quá trình sinh quá dài, tiểu tiện không thông, nước tiểu tích tụ ở bàng quang không có cách thải ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, nếu sinh mổ và đặt ống dẫn nước tiểu cũng khiến vi khuẩn xâm nhập, gây viêm bàng quang và đau nhức.

Sau khi sinh con, mẹ nên tiến hành các bài tập giúp thông tiểu. Người bị viêm bàng quang có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Uống nhiều nước để giúp thải vi khuẩn có hại ra ngoài.

'Bắt mạch' những cơn đau hậu sản và cách để chị em 'chế ngự' nhanh chóng 'Bắt mạch' những cơn đau hậu sản và cách để chị em 'chế ngự' nhanh chóng Reviewed by Unknown on tháng 3 22, 2017 Rating: 5

Post AD