Nước ối nhiều khi mang thai 3 tháng cuối: Mẹ có cần lo?
Phát hiện nước ối nhiều khi mang thai 3 tháng cuối làm nhiều mẹ lo lắng. Tuy nhiên, liệu hiện tượng này có đáng lo? Bầu cần làm gì khi gặp hiện tượng này?
Nước ối bao bọc xung quanh thai nhi, bảo vệ bé cưng khỏi sự tác động của môi trường bên ngoài. Bé cưng nuốt nước ối, sau đó bài tiết thông qua đường tiểu. Điều này giữ cho lượng nước ối luôn duy trì ở một mức ổn định, khoảng 800-1000 ml, và bắt đầu có xu hướng giảm dần sau tuần thai 36.
Nước ối nhiều khi mang thai
Tùy theo thể trạng của mẹ bầu và tăng dần theo sự phát triển của thai nhi. Thai nhi 20 tuần có lượng nước ối trung bình khoảng 350ml và khoảng 800ml vào tuần thai 32-36. Nước ối nhiều hay còn gọi dư ối là trường hợp thể tích nước ối lên đến hơn 2000ml tương đương với chỉ số ối từ 20cm trở lên.
60% trường hợp dư ối không tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nước ối nhiều có thể do những yếu tố sau đây:
– Tiểu đường thai kỳ.
– Thai nhi có vấn đề sức khỏe, không thể nuốt ối và điều chỉnh lượng nước ối xung quanh. Ngoài ra, trong một số trường hợp bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edward, mẹ bầu cũng có nguy cơ dư ối.
– Mẹ bầu bị nhiễm trùng.
– Mẹ mang đa thai, song thai.
1. Nước ối nhiều có nguy hiểm?
Nếu chỉ số nước ối nằm trong khoảng 18-25, mẹ bầu có thể không cần quá lo, bởi chỉ số này vẫn đang nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn cần phải theo dõi thường xuyên. Nước ối nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể ảnh hưởng đến ngôi thai, dẫn đến sinh con ngôi thai ngược, sinh con ngôi thai mông. Trong những trường hợp này, bạn có thể sẽ phải sinh mổ.
Nếu chỉ số nước ối vượt quá 25cm, mẹ bầu có nguy cơ bị đa ối. Tình trạng này có thể dẫn đến vỡ màng ối sớm, từ đó gây sinh sớm, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bé và có thể gây dị tật xương. Quá nhiều nước ối cũng có thể dẫn đến nguy cơ thai chết lưu và xuất huyết sau sinh.
Chọc ối là xét nghiệm xâm lấn và có nguy cơ gây sẩy thai mặc dù rất thấp (khoảng 1%), những phụ nữ quyết định thực hiện nó buộc phải đối diện với nguy cơ gặp các vấn đề về di truyền và nhiễm sắc thể.
2. Xử sao với những trường hợp nhiều ối?
Trong những trường hợp nước ối nhiều, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm như chọc ối, xét nghiệm đường trong máu, xét nghiệm nhiễm sắc thể, siêu âm… để phát hiện các bất thường về sức khỏe mẹ và bé.
Với những trường hợp đa ối, bác sĩ có thể chỉ định chọc ối hoặc uống thuốc để giảm bớt lượng nước ối. Rút bớt nước ối có thể được tiến hành nhiều lần trong thai kỳ. Tuy nhiên, khi tiến hành phương pháp này, nguy cơ sinh non, nhau bong sớm hoặc vỡ ối sớm thường cao hơn bình thường.
Nếu được chỉ định uống thuốc, bầu sẽ được chỉ định siêu âm doppler và theo dõi tim thai. Thuốc có tác dụng làm giảm lượng nước ối tiết ra hoặc làm tăng sự tái hấp thu nước ối, làm giảm lượng nước tiểu thai nhi thải ra và làm tăng sự trao đổi dịch qua màng thai. Tác dụng phụ mẹ bầu có thể gặp phải: buồn nôn, nôn, trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày.
3. Mẹ bầu cần lưu ý
Nước ối thường có màu trắng đục như nước vo gạo. Nếu phát hiện nước ối có màu lạ, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám cẩn thận. Trường hợp nước ối đục do chất thải từ thai nhi thải vào buồng ối, mẹ không cần quá lo. Đây chỉ là những tế nào từ da, niêm mạc, đường niệu hoặc tiêu hóa của bé bị bong ra khi bé phát triển, đặc biệt vào giai đoạn càng về cuối thai kỳ. Trừ trường hợp có dấu hiệu suy thai, trường hợp nước ối đục do nguyên nhân này thường không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bé cưng.
Một số trường hợp nước ối bất thường về màu sắc mẹ cần đặc biệt lưu ý:
– Nước ối có màu vàng xanh cho thấy dấu hiệu thai nhi bị tán huyết hoặc chậm phát triển trong tử cung.
– Nước ối xanh đục như lẫn mũ và có mùi hôi là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng ối, nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung…
– Nước ối có màu đỏ nâu thường đồng nghĩa với việc bé không còn sống trong bụng mẹ hay thai nhi đã bị chết lưu.
Nước ối nhiều khi mang thai 3 tháng cuối: Mẹ có cần lo?
Reviewed by Unknown
on
tháng 2 05, 2017
Rating:
Post a Comment