Header AD

Vì sao Phật ra đời giữa thế gian này?

Ngày xưa, lúc Phật ở Tinh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá, có bốn anh em Phạm Chí đã tu hành chứng được năm thần thông, tự biết mình 7 ngày nữa sẽ chết. Sức thần thông của họ có thể làm nghiêng lệch trời đất, nắm giữ mặt trời, mặt trăng, dời núi cao, ngưng sông chảy… nhưng không làm chủ được sự chết.



Người thứ nhất nói: Tôi sẽ lặn xuống biển, ở trên không xuất hiện, ở dưới thì không đến đáy, ở giữa lưng chừng biển thì quỷ vô thường làm sao biết chỗ mà tìm?

Người thứ hai nói:  Tôi sẽ chui vào giữa núi Tu-di, rồi khép lại bao xung quanh thì quỷ vô thường biết đâu mà kiếm?

Người thứ ba nói: Tôi sẽ ẩn nấp giữa hư không, quỷ vô thường làm sao biết được?

Người thứ tư nói: Tôi sẽ lẫn vào chợ, quỷ vô thường đến bắt một người nào đó thôi, cần gì phải bắt tôi? Bàn xong, bốn người đến gặp vua Ba-tư-nặc và từ giã nói:

– Thọ mạng chúng tôi còn bảy ngày nữa, nay chúng tôi muốn trốn vô thường, mong rằng sẽ thoát được và trở về thăm vua.

Bốn người làm theo ý đã bàn tính. Tới ngày thứ bảy, người trong chợ thì nằm chết giữa chợ, trên không thì rơi xuống đất, dưới biển thì nổi lên, trong núi thị lộ ra, tất cả đều chết không ai thoát được. Cho nên Phật có nói bài kệ Pháp cú như sau:

"Dù trốn giữa hư không

Hay biển khơi, núi rộng.

Không một nơi nào cả

Tránh khỏi được tử vong."

Dù tu chứng được thần thông, có những khả năng người thường không thể làm được, nhưng cuối cùng đến khi tuổi thọ hết, cũng không thoát khỏi cái chết, không trốn đi đâu để được an ổn.

Câu chuyện thứ hai là ông Phạm Chí Hắc Thị, cũng tu chứng được năm thần thông, thuyết pháp rất hay, đến trời Đế Thích còn xuống nghe pháp. Nhưng một hôm nghe giảng xong, trời Đế Thích bỗng tỏ vẻ buồn bã rơi lệ. Phạm Chí thấy lạ bèn hỏi: Ngài vì sao buồn khóc như thế ?

Trời Đế Thích nói:

– Tôi nghe ngài giảng pháp rất hay, song tôi biết rõ tuổi thọ của ngài chỉ còn bảy ngày nữa thôi.

Phạm Chí nghe xong hoảng hồn, xin trời Đế Thích cứu cho. Trời Đế Thích từ chối, chỉ ông đến với Phật. Phạm Chí vội dùng thần thông bay đến chỗ Phật, trên đường thấy hai cây ngô đồng đang trổ hoa bèn nhổ cả hai bưng trên tay đến cúng Phật. Phật gọi Phạm Chí bảo:

– Hãy buông đi!

Ông buông cây bên trái.

Phật lại bảo:

– Buông đi!

Ông buông tiếp cây bên phải.

Phật bảo tiếp:

– Buông đi!

Ông thưa :

– Bạch Thế Tôn! Hai tay con đều trống cả rồi. Ngài còn bảo con buông cái gì?

Phật bảo:

– Ta chẳng phải bảo ông buông gốc hoa đó, mà chính là bảo ông buông sáu trần bên ngoài, sáu căn bên trong và sáu thức ở giữa kia kìa. Tất cả một lúc buông sạch hết, không còn chỗ nào để buông nữa, ngay đó chính là chỗ ông thoát khỏi sinh tử.

Ở đây, sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sáu trần là hình sắc, âm thanh, hương, vị, xúc chạm, các pháp. Buông thức, là không sinh tâm phân biệt yêu ghét trên căn trần.

Trong các kinh A Hàm, Phật gọi sắc là thức ăn của mắt, tiếng là thức ăn của tai, mùi là thức ăn của mũi… Mắt thiếu sắc, tai thiếu tiếng là đói, phải chạy đi tìm để ăn, suốt ngày luôn chạy tìm không dừng. Ngồi một mình thiếu sắc, thiếu tiếng thì cảm thấy buồn, phải mở nhạc, xem ti-vi cho vui. Đó là sống theo chiều của cái tôi hư ảo.

Ý Phật muốn nhắc mỗi người, phải vượt ra cái tôi sinh diệt này, tìm ra cái chân thật nơi chính mình, làm chủ trở lại sinh tử. Đức Phật xuất hiện ở thế gian chính vì điểm trọng yếu này.

Phật ra đời chỉ cho mọi người biết rằng thế gian là vô thường, dù người giàu đến người nghèo, người thường đến người có thần thông… tất cả đều phải trôi lăn trong luân hồi sinh tử.

Chính vì nhìn thấy cái khổ: Sinh, Lão, Bệnh, Tử mà Đức Phật đã quyết tâm đi tu để tìm ra con đường giải thoát, giác ngộ và hướng dẫn cho mọi người con đường đó.

Trong suốt hơn 49 năm, Ngài đi khắp mọi nơi để tùy cơ thuyết pháp hóa độ chúng sinh. Những bài thuyết pháp của Đức Phật đã được kết tập thành một kho tàng kinh điển đồ sộ.

Theo thầy Thích Tâm Hạnh (Trụ Trì Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã), bài học từ cuộc đời đức Phật quá rộng lớn, sâu xa, chúng ta khó học hết. Chỉ đến khi nào thành Phật thì chúng ta mới cảm nhận hết được cảnh giới Phật. Ngày Phật Đản, mùa Phật Đản chúng ta cảm niệm đến Ngài, tôn kính Ngài, cúng dường Ngài không gì hơn là cần phải biết học hỏi, tu tập theo công hạnh của Ngài để mình được giác ngộ phần nào. Đó là kết quả thiết thực nhất để chúng ta dâng lên cúng dường Ngài trong mùa Phật Đản.

Vì sao Phật ra đời giữa thế gian này? Vì sao Phật ra đời giữa thế gian này? Reviewed by Unknown on tháng 1 12, 2017 Rating: 5

Post AD