Vì sao cứ đến Tết người người, nhà nhà lại kéo nhau trưng phật thủ?
Nhiều người trưng chỉ để cho đẹp nhưng với vài gia đình thì phật thủ không thể thiếu trong mâm ngũ quả trên bàn thờ vào những ngày Tết.
Phật thủ thường được nhiều người bày trên bàn thờ. Tuy nhiên, mỗi khi Tết đến, loại quả này trở nên hút hàng hơn bao giờ hết, lượng người mua luôn tăng lên đột biến. Những quả phật thủ hình dáng càng đẹp thì lại càng được nhiều người săn lùng và có giá càng cao. Nhiều người trưng chỉ để cho đẹp nhưng với vài gia đình thì đây là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả trên bàn thờ vào những ngày Tết.
Phật thủ là loại quả thuộc chi cam chanh, là giống bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản nhưng ngày nay đã trở thành loại cây trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Đây là loại quả có hình như bàn tay Phật, phần trước mở, phân tách ra, nhìn giống ngón tay thuôn dài, phần sau lại giống bàn tay, bên trong ruột xốp đặc, vỏ màu xanh hoặc vàng. Về giá trị dinh dưỡng, do thuộc chi cam chanh nên phật thủ chứa nhiều vitamin và khoáng chất như các loại quả cùng chi.
Theo quan niệm xưa, hình dáng như bàn tay Phật của quả phật thủ được cho rằng có thể che chở, bảo vệ cho gia đình được bình an. Ngoài ra, phật thủ còn được trưng với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới, sung túc, ấm no, khỏe mạnh. Không chỉ vậy, nhiều người còn cho rằng phật thủ còn ẩn chứa 3 ý nghĩa quan trọng "phúc - lộc - thọ".
- Phúc: Phật thủ là loại quả có hình dáng đặc trưng riêng, không thể thay đổi theo ý muốn như lê, bưởi hay dưa. Với ý nghĩa có thể che chở, bảo vệ cho gia đình được bình an như đã nói ở trên, nhiều người cho rằng nhìn thấy phật thủ là thấy sự ấm cúng, phúc phần trong gia đình.
- Lộc: Phật thủ chín có màu vàng óng - màu của sự hưng thịnh, giàu có.
- Thọ: Tuy thuộc chi cam chanh nhưng loại quả này lại không có múi, bên trong chỉ có cùi xốp màu trắng. Do đó, không cần chất bảo quản mà vẫn có thể tươi, giữ nguyên hình dáng trong một thời gian dài. Ngoài ra, phật thủ còn có thể dùng điều chế thành những bài thuốc chữa bệnh.
Chính vì những ý nghĩa đó, loại quả này thường được trưng trong mâm ngũ quả, đặt trên bàn thờ vào những ngày Tết.
Để phật thủ có thể trưng được lâu, giữ màu đẹp, các chủ vườn trồng phật thủ cho biết:
- Không nên rửa hoặc ngâm phật thủ trong dung dịch nước muối do nước sẽ đọng lại trong các khe của quả, tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển, làm hỏng quả phật thủ.
- Thay vào đó, để giữ quả phật thủ tươi lâu, khoảng 5 đến 7 ngày, dùng khăn thấm rượu trắng để lau bụi bẩn bám trên quả.
- Bạn có thể cho cuống phật thủ vào ly có nước, sau 15 đến 30 ngày, cuống cây sẽ ra rễ, có tác dụng hút nước nuôi quả.
Nếu bảo quản đúng cách, quả phật thủ có thể giữ được từ 4 đến 5 tháng.
Vì sao cứ đến Tết người người, nhà nhà lại kéo nhau trưng phật thủ?
Reviewed by Unknown
on
tháng 1 09, 2017
Rating:
Post a Comment