SUY NGHIỆM LỜI PHẬT DẠY: KẺ THÙ LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH
Một câu chuyện có tính cách minh họa để cho mọi người có thể hiểu biết khái quát về sự chấp ngã của con người.
Một nhà sư nọ thường có những biểu hiện nóng giận, tham lam và ích kỷ. Mặc dù xuất gia đầu Phật đã lâu nhưng những cố tật ấy vẫn luôn tiềm ẩn bên trong, làm cho nội tâm của thầy luôn bị vẩn đục. Vốn là người quyết chí tu hành thóat ly sống chết đời này, nên nhà sư luôn tự quán xét lại chính mình mà thấy rõ bệnh “chấp ngã” rất nặng nề và từ đó thầy quyết tâm lập chí thay đổi chuyển hóa cho kỳ được để trở thành vô ngã, vị tha.
Con người từ khi có mặt trong cuộc đời, khi lớn lên, sống làm việc và tồn tại nhờ cái tôi. Cái tôi là biểu hiện sự nhận thức của một con người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác. Cái tôi trong mỗi con người phát triển theo thời gian tuỳ theo sự xúc chạm cuộc sống.
Cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian từ khi mở mắt chào đời. Khi còn nhỏ chúng ta ít bị sự tác động của gia đình vào nhận thức về chính mình. Một em bé sẽ ít bị tổn thương hay bị chạm tự ái như người lớn khi bị khiển trách. Trẻ em thường quên rất mau về những chuyện buồn phiền. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và có thể ghim vào trong lòng, nhớ hoài chuyện đau thương đó để chờ cơ hội trả thù.
Khi chúng ta làm những việc đóng góp có lợi ích cho xã hội, ta làm cho “cái tôi” của mình lớn hơn nếu không biết cách buông xả. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Mọi người trong chúng ta, ai ai cũng có “cái tôi” nó là cá tính và bản chất vốn có của mỗi con người. Sự thật khi còn trong bào thai mẹ và khi mở mắt chào đời con người đã tồn tại cái tôi nên mới sống được và tồn tại.
Sự suy nghĩ, lời nói, việc làm của mọi người dẫn đến thành công làm cho chúng ta tự mãn và hãnh diện với sự thành công đó chính là lúc cái tôi hiện diện. Khi đó, cái tôi đã phình to ra vì tôi đã thành công.
Kẻ thù lớn nhất của con người là cái tôi ích kỷ độc tôn muốn chiếm hữu mọi thứ trên đời này, từ ngữ Việt Nam gọi là cái tôi chính mình, từ ngữ Hán – Việt gọi là bản ngã. Cái tôi này bắt đầu có từ lúc lọt lòng mẹ, một khi đã huân tập những thói quen dù tốt hay xấu sẽ rất khó sửa đổi, cho nên chúng ta dính mắc vào nó ngày càng sâu đậm hơn.
Mỗi cá nhân đều có những kinh nghiệm, học vấn, quan điểm, cách suy nghĩ riêng và nghề nghiệp tùy theo mình chọn lựa. Một khi chúng ta vượt qua chính mình, tức là vượt qua sự lầm chấp thân tâm này làm ngã, khi đó con người mới hoàn toàn thanh tịnh sáng suốt và an nhiên tự tại trước mọi chướng duyên nghịch cảnh của cuộc đời.
Cái tôi là cách mỗi người tự khẳng định mình trước người khác. Cái tôi được thể hiện mạnh mẽ, dữ dội, quyết liệt, rõ rệt,… khi bị đụng chạm, hoặc trong lúc tranh luận đúng sai, hơn thua, … chính cái tôi giúp mình tự bảo vệ lấy mình. Người có cái tôi quá lớn là người luôn xem mình là số một, không chịu thua kém bất cứ ai. Họ hay coi thường suy nghĩ, lời nói của người khác, chỉ thấy mình là hơn hết.
Sau khi sắp xếp mọi việc xong xuôi, nhà sư cho gọi chú tiểu đến rồi bảo: Từ nay thầy phát tâm nhập thất khoảng 3 năm để tu tập, cốt để diệt trừ cái bệnh chấp ngã của thầy từ vô thỉ kiếp đến nay. Con ở ngoài ráng cố gắng lo tròn mọi việc để thầy yên tâm tu hành, quyết đời này giải thoát sinh tử. Chú tiểu gật đầu dạ lia lịa và nói rằng xin thầy cứ an tâm, mọi việc đã có con lo liệu hết rồi.
Sau 3 năm miệt mài tu tập, nhà sư vô cùng hân hoan mở cánh cửa thất, vui cười nói với chú tiểu rằng: Ta đã thành công rồi. Sau thời gian tu tập vô cùng miên mật, bây giờ ta đã dứt trừ được cái ngã chấp rồi. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không thể làm cho tâm ta dao động nữa! Con hãy mừng cho thầy có được ngày hôm nay đi! Chú tiểu bỗng dưng trề môi, rồi nói: Thầy mà diệt trừ được chấp ngã thì chẳng khác nào con chó mà chê phân người vậy!
Ông thầy nghe chú tiểu nói vậy liền đỏ mặt tía tai và tát cho chú tiểu cái bốp như trời giáng. Chú tiểu đau quá liền hét lớn: Thầy đã diệt trừ được ngã chấp rồi mà!
Qua câu chuyện trên, chúng ta đừng vội phê phán hay chê cười nhà sư ấy, chỉ tiếc rằng thời gian 3 năm chưa có là bao so với vô thỉ kiếp từng vọng động phiền não tham, sân, si. Nhà sư ấy chưa hoàn toàn thành công như ý muốn, thật ra tự biết mình còn chấp ngã, và cố gắng thiết lập phương án tu tập để diệt trừ ngã chấp, thì nhà sư cũng xứng đáng là một vị chân tu thạc đức rồi. Nhưng chúng ta đâu thể dễ dàng một sớm một chiều mà có thể giải quyết xong món nợ ngu si chấp ngã từ vô thỉ kiếp đến nay. Quả là khó khăn khi chúng ta thấu đạt được căn bệnh ngàn đời của chính mình là sự ngu si chấp ngã, tức là chúng ta có phần hiểu biết về mình để dần hồi được chuyển hóa.
Trên thế gian này, chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình, chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trở thành Bậc Đạo sư lỗi lạc là thầy của trời người, vì Ngài đã chiến thắng chính mình bằng sự thật lịch sử cách nay trên 2.600 năm tại Ấn Độ, đã được cả thế giới loài người hâm mộ, khát ngưỡng tận cõi lòng.
SUY NGHIỆM LỜI PHẬT DẠY: KẺ THÙ LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH
Reviewed by Unknown
on
tháng 1 03, 2017
Rating:
Post a Comment