Header AD

Có thực “Không biết không có tội”? Và câu trả lời của Phật Tổ là…

Câu chuyện sau là lời cảnh báo cho quan điểm thoái thác tội lỗi của nhiều người bằng cách nói “không biết không có tội”.


Khi Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp giọng nói luôn từ tốn, thân thiện, dễ gần, thường xuyên nói với đệ tử những vấn đề quen thuộc nhưng nghe vẫn không chán. Để giúp mọi người dễ hiểu, Đức Phật dùng lời lẽ bình dị cùng cách nêu ví dụ dễ hiểu giúp các đệ tử cảm nhận mọi thứ gần gũi với cuộc sống của mình.

Một hôm, sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp xong, một đệ tử xin thỉnh giáo hỏi Phật vấn đề mọi người hay nói là “không biết không có tội” có đúng không.

Về vấn đề này, Phật Thích Ca Mâu Ni không trả lời trực tiếp mà đưa ra ví dụ: “Bây giờ có một cái gắp than, nó bị lửa làm cho nóng bỏng nhưng mắt ta không nhìn thấy được. Nếu con muốn cầm vào cái gắp than này, vậy giữa việc biết cái gắp than đang nóng bỏng và không biết, điều gì gây tổn hại hơn?”

Đệ tử thoáng suy nghĩ rồi trả lời: “Không biết nó đang nóng bỏng là rất tai hại. Vì không biết sẽ không có chuẩn bị, không đề phòng nên sẽ bị bỏng”. Phật Thích Ca Mâu Ni lại nói: “Đúng thế! Nếu biết cái kẹp than bị nóng bỏng thì lòng sẽ đề phòng, không dám sơ suất cầm vào tay không. Từ đó cho thấy câu ‘không biết không có tội’ là không đúng, mà không biết là rất có tội. Mọi người vì vô minh nên mãi trầm luân trong bể khổ”.



Đạo lý: Người thiếu hiểu biết thì hay hồ đồ, đó mới là người chịu tổn hại lớn nhất, vì họ không hiểu bối cảnh sự việc và hậu quả sẽ gây ra, chỉ có hiểu biết mới giúp người ta sáng suốt, thấy được sự thật. Vì thế khi bạn không hiểu gì về một vấn đề thì đừng hồ đồ đưa ra kết luận, càng không nên a dua theo người, đặc biệt với đoàn thể những người tu tâm hướng thiện, càng cần thận trọng trong từng lời nói.

Khi người ta bị những lời nói dối lừa mị, chính tà bất phân, thiện ác không rõ, vậy thì họ chỉ có thể làm nối giáo cho giặc! Hậu quả tự mình chuốc lấy!

Tội lỗi là một trong những thuộc tính cơ bản của chúng sanh. Con người có mặt ở trên đời thì tội lỗi có mặt. Thậm chí từ trong quá khứ, trước khi được sinh ra, tội lỗi hay nghiệp đã đóng vai trò chi phối, là tác nhân chính để hình thành nên hình dáng, tính cách, hoàn cảnh của mỗi cá nhân trong hiện tại. Vì thế, con người là sự kế thừa tội lỗi, nghiệp lực của chính mình và do vậy, người sống trên đời có tội cũng là chuyện bình thường.

Khi chưa trở thành các bậc Thánh, ai cũng giống nhau ở chỗ là đều có tội cả. Có khác chăng là mức độ gây nghiệp, tạo tội nhiều hay ít, về phương diện này hay phương diện kia mà thôi. Tội lỗi, theo tuệ giác của Thế Tôn, đó là những hành vi tạo tác bất thiện được tạo ra nơi việc làm, lời nói và suy nghĩ của con người.

Tuy chúng ta chấp nhận có tội vì hiện ba nghiệp chưa thanh tịnh nhưng tội phải ít và nhỏ thôi và điều cần thiết nhất là tự thân phải rõ biết điều đó. Khi còn trong thân phận chúng sanh, biết rõ những hạn chế, thói hư tật xấu của chính mình để phấn đấu, vươn lên, loại trừ điều ác, đạt đến sự hoàn thiện là tối cần. Con người sở dĩ ngày càng tạo nhiều tội lỗi, một phần do không nhận chân được điều xấu ác hoặc xem những điều xấu ác hiện tồn tại với số đông là bình thường, thậm chí không ít người còn tự mãn với những thành tựu dựa trên nền tảng tham sân si.

Hơn ai hết, những người con Phật cần phải trở về với chính mình, biết rõ mọi hành vi của tự thân nhằm kiểm soát, từng bước làm chủ, chuyển hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý xấu ác. Đạt đến sự hoàn thiện, không tội lỗi là một lộ trình dài. Nền tảng cơ bản của lộ trình đó là tuệ tri, biết rõ tự thân có tội nên trước hết phải cố gắng để không tạo thêm nhiều tội lỗi đồng thời phát huy thiền quán để thấy mọi tội lỗi đều xuất phát từ tâm, tâm thanh tịnh tức ba nghiệp thanh tịnh.

Có thực “Không biết không có tội”? Và câu trả lời của Phật Tổ là… Có thực “Không biết không có tội”? Và câu trả lời của Phật Tổ là… Reviewed by Unknown on tháng 1 16, 2017 Rating: 5

Post AD