Mang thai tháng thứ 1: Chuyện gì xảy ra sau khoảnh khắc thụ thai?
Đến cuối tháng đầu tiên, phôi thai sẽ phát triển và các tế bào bên ngoài sẽ tạo thành một liên kết với nguồn cung cấp máu từ mẹ.
Nếu bạn đang cố gắng thụ thai hoặc đã xác định bạn đang có thai thì chắc chắn trong đầu bạn đang có rất nhiều điều thắc mắc. Bạn muốn biết về các dấu hiệu sớm của thai kỳ hay bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mang bầu tháng đầu tiên.
Hầu hết phụ nữ sẽ nhận thấy những thay đổi của cơ thể ở những tuần đầu tiên sau khi thụ thai, đó có thể là chứng đau tức ngực, buồn nôn, thay đổi tâm trạng, chóng mặt. Tuy nhiên cũng có những chị em phải đến tuần thứ 6 mới có thể nhận ra những thay đổi này và lúc này thai nhi đã phát triển gấp 10.000 lần kích thước ban đầu trong tử cung.
Dưới đây là những thay đổi của thai nhi và mẹ bầu trong tháng đầu tiên:
Tăng trưởng của em bé
Mặc dù tuổi thai nhi được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng nhưng 2 tuần đầu bạn không thực sự mang thai. Đến tuần thứ 3, trứng đã được thụ tinh sẽ di chuyển về phía tử cung. Nó đi qua ống dẫn trứng và phân chia thành nhiều lần. Dù vậy vẫn là một khối thống nhất với hàng trăm tế bào khi di chuyển đến tử cung. Trứng đã thụ tinh sau đó sẽ cấy vào lớp niêm mạc tử cung và mẹ chính thức có thai.
Đến cuối tháng đầu tiên, phôi thai sẽ phát triển và các tế bào bên ngoài sẽ tạo thành một liên kết với nguồn cung cấp máu từ mẹ. Các tế bào bên trong đuầ tiên sẽ hình thành một vài lớp. Một lớp sẽ hình thành và phát triển thành các phần khác nhau của cơ thể bé. Phôi thai cũng được gắn với một túi noãn hoàng nhỏ để được nuôi dưỡng đến khi nhau thai chính thức hình thành trong vài tuần tới.
Sự thay đổi của mẹ
“Đèn đỏ” bị lỡ thường là dấu hiệu mang bầu đầu tiên của chị em. Ngoài ra, trong tháng đầu tiên này, mẹ cũng sẽ nhận thấy những triệu chứng sau:
Ngực sưng
Thay đổi ở ngực được cho là một trong những dấu hiệu sớm nhất báo bạn đã có thai. Ngực của phụ nữ mang bầu thường sẽ đau, sưng và nhạy cảm hơn sau khi thụ thai 1-2 tuần. Nguyên nhân là do lượng estrogen và progesterone ở giai đoạn sớm của thai kỳ bắt đầu phát triển.
Vì lượng hormone estrogen tăng lên nên ngực sẽ giữ nước nhiều hơn và chị em cảm thấy đau, nặng nề, nhạy cảm hơn.
Ốm nghén
Dấu hiệu này thường xuất hiện sớm nhất sau 2 tuần trứng được thụ thai. Nguyên nhân là do hormone progesterone gây ra. Chính hormone này sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, đôi khi khiến mẹ bầu bị táo bón, khó tiêu.
Cảm giác buồn nôn cũng có thể gây ra do hormone Hcg xuất hiện trong máu và nước tiểu mẹ bầu ngay cả trước khi bạn trễ kinh nguyệt. Lượng Hcg càng cao (mang bầu song thai) mẹ bầu sẽ có thể càng cảm thấy buồn nôn hơn.
Đi tiểu thường xuyên
Bạn nghĩ rằng sau khi thai nhi quá lớn chèn vào bàng quang mới khiến mẹ thường xuyên đi tiểu nhưng đây cũng là một trong những dấu hiệu sớm của thai kỳ. Không chỉ đặt áp lực lên bàng quang, việc những dòng máu làm việc nhiều hơn cũng khiến mẹ bầu thường xuyên đi tiểu hơn.
Mệt mỏi
Trong vài tuần đầu tiên, cơ thể mẹ sẽ phải làm việc 24/7 để nuôi dưỡng thai nhi nên cảm giác mệt mỏi là hoàn toàn bình thường. Progesterone được sản xuất thêm sau khi thụ thai cũng khiến nhiệt độ cơ thể mẹ tăng lên, làm mẹ thiếu năng lượng và mệt mỏi hơn.
Ngoài ra, trái tim của mẹ lúc này cũng phải bơm máu nhanh hơn để cung cấp thêm oxy vào từ cung cho thai nhi nên cũng sẽ làm mẹ mệt hơn bình thường.
Thay đổi khẩu vị
Dù tin hay không, nhưng nhiều phụ nữ mang thai sẽ không thích những món khoái khẩu trước kia. Thậm chí, họ trở nên thích các loại đồ ăn kỳ lạ hoặc các món chưa từng muốn ăn trước đó.
Xuất hiện đốm máu
Có khoảng 25-30% phụ nữ mang bầu nhận thấy dấu hiệu chảy máu nhẹ hoặc xuất hiện đốm máu ở những tuần đầu thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi trứng thụ tinh bám vào lớp niêm mạc của tử cung. Đây được gọi là máu cấy, xuất hiện phổ biến khoảng 2 tuần sau khi thụ thai.
Chảy máu xảy ra cũng có thể do sự kích thích cổ tử cung, thai ngoài tử cung hoặc dấu hiệu sảy thai. Vì vậy mẹ cần theo dõi cẩn thận để phòng nguy cơ rủi ro cao.
Tâm trạng thay đổi
Hormone của bạn đột nhiên thay đổi chóng mặt khi mang thai và điều này cũng khiến cảm xúc của mẹ thất thường hơn. Nếu bống dưng mẹ cảm thấy muốn khóc hay tự nhiên buồn thảm thì có thể tâm trạng mẹ đang thay đổi do mang bầu. Đây là dấu hiệu rất phổ biến trong những tháng đầu mang thai.
Các triệu chứng khác
Rất nhiều chị em chia sẻ họ nhận thấy dấu hiệu chóng mặt, thậm chí ngất xỉu khi mới mang thai. Progesterone có thể khiến cho đầu óc mẹ bầu bị quay cuồng và làm cơ thể nóng hơn, các mạch máu giãn ra và làm hạ huyết áp. Ngoài ra, một lượng máu lớn được chuyển vào tử cung nên máu đến não có thể sẽ chậm hơn khiến mẹ gặp tình trạng này khi đứng lên, ngồi xuống.
Lời khuyên trong tháng đầu mang thai
- Đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa sản. Khi đi khám, mẹ cần thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh tật của mình đồng thời tham khảo lời khuyên từ chuyên gia.
- Bổ sung axit folic đều đặn hàng ngày để phòng ngừa tật nứt đốt sống và các vấn đề liên quan đến não thai nhi. Phụ nữ mang bầu nên bổ sung khoảng 400 mcg axit folic mỗi ngày.
- Tránh uống rượu, hút thuốc khi mang bầu vì những thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.
- Duy trì chế độ ăn uống đảm bảo dưỡng chất và tránh những thực phẩm không lành mạnh như sữa chưa tiệt trùng, pho mát làm từ sữa chưa tiệt trùng, trứng chưa nấu chín, thực phẩm tái sống.
- Nghỉ ngơi và tránh bị căng thẳng trong tháng đầu thai kỳ.
- Thư giãn bằng cách đi ngủ sớm, đọc sách, nghe nhạc và làm những việc mình yêu thích.
- Đau bụng nhẹ là triệu chứng phổ biến khi mới mang thai nhưng nếu đi kèm với chứng ra máu, đau quặn thắt thì cần đến bệnh viện.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa và luôn đeo găng tay khi tiếp xúc. Luôn mở cửa phòng thoáng khi dọn dẹp nhà cửa.
Mang thai tháng thứ 1: Chuyện gì xảy ra sau khoảnh khắc thụ thai?
Reviewed by Unknown
on
tháng 12 30, 2016
Rating:
Post a Comment