Bổ sung axit folic đúng cách trước khi mang thai
Phần lớn các mẹ bầu hiện đại đều biết axit folic rất cần cho sự phát triển an toàn của thai nhi, nhưng ít người biết rằng việc bổ sung dưỡng chất này cần được thực hiện từ trước khi mang thai 3 tháng hoặc ít nhất là 1 tháng, bởi dị tật nứt đốt sống do thiếu folate xảy ra ngay trong tháng đầu tiên của thai kỳ.
Axit folic (vitamin B9) là một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh. Tình trạng thiếu chất này có thể gây “khiếm khuyết” ống thần kinh mà biểu hiện là nứt đốt sống, vô sọ, thoát vị não… và làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch… Vì vậy, phụ nữ có thai được khuyên bổ sung axit folic.
Vì sao cần bổ sung axit folic trước khi mang thai?
Các khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi do thiếu axit folic xuất hiện ở tuần thứ 3 của thai kỳ – khi mà phần lớn bà mẹ chưa biết mình mang thai. Trên thực tế, hầu hết phụ nữ đều chỉ để ý đến chuyện bổ sung chất này khi đã biết chắc mình có bầu. Đứa trẻ rất dễ bị thiếu axit folic nếu trước đó bà mẹ không có chế độ ăn “đa dạng“. Bởi vậy, các chuyên gia khuyên nên quan tâm đến axit folic ngay khi có ý định mang thai.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Bệnh (CDC) báo cáo rằng phụ nữ uống đủ liều axit folic như khuyến cáo bắt đầu ít nhất 1 tháng trước khi thụ thai và trong ba tháng đầu của thai kỳ làm giảm nguy cơ đứa con của họ bị khuyết tật ống thần kinh từ 50% đến 70%. Một vài nghiên cứu cho thấy folic có thể giúp giảm nguy cơ em bé bị những khuyết tật khác, như sứt môi, hở hàm ếch, và một số loại khuyết tật tim.
Bổ sung axit folic trước khi mang thai như thế nào?
Các bác sỹ thường khuyên chị em nếu dự định mang thai thì nên bổ sung axit folic trước đó từ 3 tháng hoặc ít nhất là 1 tháng với lượng 400mcg/ngày và trong suốt quá trình mang thai với lượng khoảng 600mcg/ngày.
Theo nhiều nghiên cứu thấy rằng axit folic dư sẽ được thải ra ngoài qua đường nước tiểu và không có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao hơn 1000mcg axit folic mỗi ngày và suốt một thời gian dài có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, có vị lạ trong miệng, phấn kích và nặng nề nữa là động kinh.
Để bổ sung axit folic, các bạn có thể sử dụng viên uống hoặc các loại thực phẩm như rau xanh (màu xanh càng đậm càng tốt như rau dền, củ cải, bông cải…), trong nấm, đậu lima, bánh mì bằng bột mì nguyên chất, bắp, đậu Hà Lan, đậu nành, cà rốt, cà chua, chuối, cam, chanh, bưởi…
Nên lưu ý rằng các loại thực phẩm đóng hộp đã làm mất đi từ 50 đến 90% axit folic có trong đó, bởi trong quá trình chế biến axit folic đã bị mất đi bởi “sức nóng“. Chính vì thế, sẽ là rất quan trọng và cần thiết để nên ăn những món ăn được chế biến từ các loại thực phẩm tươi sống. Đối với các món rau không nên ngâm quá lâu trong nước và nấu chín kỹ.
Để hấp thu axit folic tốt nhất
Để axit folic được hấp thu tốt nhất, bạn nên uống giữa hai bữa ăn. Do đó, có thể uống viên axit folic chung với nước cam hoặc nước trái cây. Tránh uống thuốc với nước trà, cà phê, rượu vì sẽ làm giảm khả năng hấp thu.
Các dấu hiệu của sự thiếu hụt axit folic
Những dấu hiệu của sự thiếu hụt axit folic có thể khó nhận ra. Bạn có thể bị tiêu chảy, chán ăn, sụt cân, cũng như cơ thể mệt mỏi, bị đau lưỡi, đau đầu, tim đập nhanh, khó chịu. Nếu bạn chỉ hơi thiếu, bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng gì cả, nhưng bạn sẽ không nhận được số lượng tối ưu cho sự phát triển phôi sớm của em bé.
Bổ sung axit folic đúng cách trước khi mang thai
Reviewed by Unknown
on
tháng 12 28, 2016
Rating:
Post a Comment