Bật mí cách nấu đồ ăn dặm giúp mẹ bận rộn cực nhàn
Việc chế biến bữa ăn dặm phong phú các món ăn cho con là vô cùng khó khăn với những mẹ bận rộn. Cách nấu đồ ăn dặm sau sẽ giúp mẹ nhàn hơn rất nhiều mà vẫn có đủ các món cho bé.
Ăn dặm là giai đoạn quan trọng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Khi ăn dặm, trẻ tập làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Trong quá trình ăn dặm mẹ cần cho con ăn phong phú các loại thực phẩm để trẻ có được nguồn dinh dưỡng phong phú và đầy đủ nhất. Nếu mẹ chỉ cho con ăn duy nhất một món cháo trong hàng tháng trời, thì bé sẽ bị chán ăn, biếng ăn và thiếu cân bằng dinh dưỡng. Dẫn tới tình trạng trẻ nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng và chậm phát triển trí não.
Tuy nhiên, nhiều mẹ quá bận rộn nên thật khó để ngày nào cũng dành ra nhiều thời gian làm đồ ăn dặm cho con. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy thử ngay cách nấu đồ ăn dặm cực hay dưới đây nhé!
Khi ăn dặm trẻ cần được ăn phong phú các loại thực phẩm
|
Cách nấu đồ ăn dặm phong phú cho con mà mẹ vẫn nhàn
Để việc nấu ăn dặm cho con không chiếm quá nhiều thời gian, mà vẫn có đủ các món cho con ăn hàng ngày, thì mẹ nên nấu một lần cho cả tuần, sau đó trữ đông đúng cách để đảm bảo thức ăn không hỏng và vẫn giữ được phần lớn dưỡng chất. Hãy thực hiện theo các bước dưới đây.
1. Lên thực đơn các món ăn dặm cả tuần cho con
Để tránh mất nhiều thời gian hàng ngày cho việc nghĩ xem sẽ nấu gì cho con ăn, bạn nên dành ngày cuối tuần và lên sẵn một thực đơn những món ăn dặm cả tuần, trong thực đơn ghi rõ từng ngày ăn món nào. Việc lên thực đơn sẵn sẽ giúp mẹ chủ động trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu để chế biến và tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tùy theo độ tuổi, mẹ có thể chọn những loại thực phẩm khác nhau để nấu ăn dặm cho con.
Thông thường, với trẻ mới tập ăn dặm, mỗi bữa mẹ chỉ cần cho con ăn một lượng nhỏ và chỉ cần 1 món để trẻ làm quen. Nhưng khi con đã quen với việc ăn dặm, thì mỗi bữa mẹ nên có ít nhất 3 món bao gồm: 1 món bột hoặc cháo nấu với 1 loại protein (thịt, cá…), 1 món rau, củ và trái cây.
- Bột hoặc cháo: nên nấu bằng gạo trắng cho trẻ.
- Protein: Trong tuần mẹ nên cho con ăn đủ cả thịt, cá, tôm. Bé nên ăn khoảng 2 bữa cá mỗi tuần, 1 bữa tôm, còn lại là các loại thịt như thịt gà, thịt lợn, thịt bò.
- Rau, củ: Nên chọn các loại rau lá xanh, hoặc các loại củ quả phổ biến như: Cà rốt, bí đỏ, bí đao, khoai lang, khoai tây, mướp, bầu…
- Trái cây: Mẹ chỉ nên chọn những loại quả ngọt, những quả chua bé sẽ khó ăn và chứa quá nhiều axit. Có thể chọn những quả như: xoài, táo, bơ, chuối…
2. Mua thực phẩm đủ để nấu trong 1 tuần cho con
Sau khi lên thực đơn các ngày trong tuần, mẹ sẽ đi mua thực phẩm đủ để chế biến. Mẹ nên chọn những thực phẩm tươi ngon. Tốt nhất nên mua ở những nơi uy tín, để tránh chọn phải các thực phẩm chứa chất hóa học gây hại cho con.
3. Cách sơ chế
- Bột hoặc cháo:
+ Nếu bé mới chỉ ăn bột, mẹ nên xay sẵn bột gạo về bảo quản ở nơi khô ráo. Đến bữa mới nấu bột cho con ăn.
+ Với cháo mẹ cũng nên nấu hàng ngày, bởi cháo rất khó bảo quản và khi để sang ngày hôm sau ăn sẽ không còn ngon nữa. Để tiết kiệm thời gian, mẹ hãy nấu cháo bằng nồi cơm điện. Mẹ dùng một bát sứ, cho gạo và lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo. Khi nấu cơm cho gia đình, mẹ đặt bát gạo và nước đó vào giữa nồi. Đến lúc cơm chín là mẹ cũng có một bát cháo cho con rồi. Lưu ý, cháo cho trẻ ăn dặm nên cho thêm 1 thìa dầu ăn (loại dành cho trẻ nhỏ).
Nấu bằng nồi cơm điện cháo nhừ mà không tốn nhiều thời gian |
- Protein:
+ Thịt rửa sạch, thái lát mỏng rồi cho vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn.
+ Cá: Rửa sạch, đánh vẩy rồi cho vào nồi hấp chín. Sau khi hấp mẹ lọc bỏ hết xương, cần lọc kỹ để bỏ hết xương nhỏ. Sau đó nghiền thật nhuyễn.
+ Tôm: rửa sạch, bóc vỏ rồi cho vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn.
- Rau, củ, trái cây: Mẹ rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ, cho vào nồi hấp chín rồi bỏ và máy xay nhuyễn.
Các loại rau củ cho bé ăn dặm cần được thái nhỏ, hấp chín rồi xay nhuyễn
|
4. Trữ đông thức ăn dặm cho con
Mẹ cần chuẩn bị nhiều khay trữ đông thức ăn. Khay trữ đông thức ăn dặm là loại khay được chia thành nhiều ô nhỏ, tương tự như khay đựng đá nhưng có nắp đậy để đảm bảo vệ sinh tránh không cho vi khuẩn xâm nhập vào.
Nếu không có khay trữ đông thức ăn, bạn có thể dùng khay đựng đá, sau đó bọc màng bọc thực phẩm ở trên để bảo vệ.
Sau khi sơ chế, ngoại trừ bột và cháo phải nấu hàng ngày, những món còn lại mẹ đổ riêng vào các ô trong khay trữ đông, đậy nắp lại và bỏ vào trong ngăn đá tủ lạnh.
Trữ đông bằng khay trữ đông thực phẩm
|
5. Chế biến cho con ăn
Hàng ngày, mẹ chọn ra 1 loại protein, 1 món rau hoặc củ và 1 món trái cây trong những món đã được trữ đông. Buổi tối của ngày hôm trước, mẹ lấy những món dự định cho con ăn (mỗi món 1 – 2 viên), cho ra hộp nhỏ hoặc bát nhỏ, chuyển từ ngăn đá sang ngăn lạnh để giã đông.
Khi nấu cháo cho con, mẹ cho thịt, cá hoặc tôm đã giã đông vào nấu cùng cháo.
Các món còn lại như rau củ hoặc trái cây, mẹ cho vào lò vi sóng quay cho nóng. Nếu không có lò vi sóng, mẹ có thể cho vào nồi để hấp lại.
Như vậy, mỗi ngày mẹ chỉ cần một chút thời gian là đã có ngay một bữa ăn dặm với các món phong phú, đầy đủ dưỡng chất cho con rồi đấy.
Mẹ chọn một vài món đã trữ đông để cho con ăn
|
Lưu ý: Mẹ cần tăng dần độ thô trong các món ăn dặm của con. Ban đầu mẹ xay nhuyễn tất cả thức ăn, sau đó chuyển sang ăn lợn cợn, rồi thái nhỏ dạng hạt lựu, hạng que nhỏ và hấp mềm cho con ăn.
Mẹ cần tăng dần độ thô khi chế biến đồ ăn dặm
Bật mí cách nấu đồ ăn dặm giúp mẹ bận rộn cực nhàn
Reviewed by Unknown
on
tháng 11 29, 2016
Rating:
Post a Comment