Cách cho bé bú chính xác nhất
Cách cho bé bú chính xác nhất: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt diệu, cho bé sự khởi đầu an toàn, vững chắc. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng biết cách cho con bú. Sau đây, Blog Phụ nữ today sẽ hướng dẫn các mẹ cách cho bé bú chính xác nhất.
Các bà mẹ thường nghĩ cho trẻ bú mẹ là chuyện khá đơn giản, nhưng thực tế nó có thể không dễ dàng như bạn nghĩ. Đôi khi các bà mẹ cần vài ngày, hay thậm chí vài tuần hoặc vài tháng để có thể làm quen với việc cho bé bú một cách thoải mái nhất. Đây cũng là một kỹ năng đòi hỏi bạn cần phải học và luyện tập nhiều lần đấy! Vì cả bạn và bé đều cần thời gian tìm hiểu nhau, để từ đó tìm ra một cách thoải mái và phù hợp nhất cho bé bú.
Một điều khá quan trọng là các bà mẹ hãy giữ tâm trạng thoải mái,đừng vội nản lòng khi bạn chưa thể cho con bú đúng cách. Bạn hãy nhớ, mỗi em bé đều khác nhau, nên cách thích hợp với bé này chưa chắc có thể áp dụng với bé khác. Một điều nữa, bạn cũng đừng nên đánh giá thấp khả năng của các em bé nhé. Đôi khi chính bé là người có thể giúp quá trình bú mẹ trở nên thuận lợi hơn. Cho trẻ bú mẹ là một loại bản năng xuất phát từ cả mẹ và bé, vì vậy, hãy “hợp tác” tốt với bé yêu của mình, hướng dẫn con để con có thể tìm đầu ti và bắt đầu bú mẹ.
Những điểm cần ghi nhớ khi cho bé bú mẹ
• Sau khi bé chào đời, hãy cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt.
• Đừng cho bé ngậm ti giả cho đến khi bé hoàn toàn quen với việc bú mẹ. Việc này có thể kéo dài từ 4 đến 6 tuần sau khi bé chào đời.
• Đừng cho bé uống nước hay sữa ngoài mà hãy cho bé bú mẹ hoàn toàn. Vì bé bú mẹ càng thường xuyên thì bạn sẽ càng có nhiều sữa hơn.
• Hãy luôn ở bên cạnh con có thể cho bé bú thường xuyên.
• Thông thường bạn sẽ mất vài ngày để đợi “sữa về”. Nhưng đừng lo vì hãy cứ cho con bú mẹ vì ngực bạn sẽ sản sinh ra một lượng sữa non, rất tốt cho trẻ sơ sinh. Sữa non giàu năng lượng, dễ tiêu hóa và chứa nhiều chất đề kháng.
Hướng dẫn mẹ cho trẻ sơ sinh bú đúng cách
Cho bé bú đúng cách
- Nên sớm bắt đầu cho trẻ bú ngay giờ đầu sau sinh. Có thể lúc này bà mẹ còn mệt mỏi nhưng đứa trẻ đã bắt đầu đòi bú. Nếu trẻ khỏe mạnh thì phản xạ nút sẽ mạnh. Những giọt sữa non đầu tiên chưa thực sự dồi dào nhưng lại chứa nhiều chất bổ dưỡng, rất cần thiết cho bé, nhất là trong những ngày đầu đời.
- Không nên xin sữa của bà mẹ khác cho con mình bú vì có nhiều bệnh có thể lây qua sữa mẹ như nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, C ...
- Sau những cữ bú đầu tiên, động tác nút của bé và sự phục hồi sức khỏe của mẹ sẽ làm 2 bầu vú “lên sữa” và sữa trưởng thành sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng ngày của bé. Trẻ bú càng nhiều thì cơ thể mẹ càng tạo thêm nhiều sữa.
Tư thế cho bú:
- Cần chọn tư thế sao cho cả mẹ và bé đều thoải mái, để việc cho bú dễ dàng và hiệu quả, mẹ được thư giãn mà không bị đau lưng hay tê tay, tê chân.
- Có thể cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm:
+ Tư thế ngồi: bà mẹ ngồi thật thoải mái, lưng có thể có điểm tựa sao cho cơ vùng cổ và vùng thắt lưng không bị căng mau gây mỏi và đau lưng. Trẻ được giữ chắc và nâng bởi vòng tay trìu mến của mẹ. Có thể chêm thêm gối phía dưới để việc nâng trẻ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
+ Tư thế cho trẻ nằm sát mẹ (dùng khi mẹ mệt hoặc ban đêm): Bà mẹ nằm nghiêng, đùi dưới kê trên gối, chân trên gập ở đầu gối. Đặt bé nằm nghiêng quay mặt về phía mẹ sao cho miệng bé áp sát ngực dưới của mẹ.
Bà mẹ dùng cánh tay phía dưới để đỡ đầu bé nhằm áp miệng bé vào vú mẹ. Khi bé ngậm vú thì chú ý cho bé ngậm sâu để bảo đảm bé mút và nuốt sữa dễ dàng.
- Khởi đầu cho bé bú với một số động tác sau:
Bà mẹ và trẻ vào tư thế cho bú như trên, lau sạch núm vú và bầu vú. Bà mẹ dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ phần gần núm vú. Đưa nhẹ núm vú vào môi bé để kích thích phản xạ bú, khi bé há miệng thì ép sát vú vào trẻ và đưa núm vú vào miệng bé.
Bảo đảm trẻ ngậm vú đúng: miệng bé há rộng, ngậm cả quầng vú, cằm chạm sát vú mẹ, môi dưới của trẻ đưa ra ngoài. Bé nút đều đặn, hai má căng, bà mẹ có thể nghe được tiếng nuốt sữa ực, ực. Nên cho bé bú hết sữa 1 bên vú, nếu bé chưa no thì cho bú tiếp vú còn lại
Số lần cho trẻ bú:
- Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, khi trẻ đòi bú.
- Cho trẻ bú cả ngày lẫn đêm.
- Thông thường trẻ bú mẹ sau mỗi 2 đến 3 giờ, mỗi lần từ15 đến 30 phút.
Nếu bé ngủ quá nhiều thì nên đánh thức và cho trẻ bú mỗi 3 giờ. Nếu trẻ không bú 2 cữ hoặc phản xạ nút quá yếu hay trẻ hay nhợn ói ... thì nên cho bé đi khám bác sĩ ngay.
Làm sao biết trẻ đã bú sữa đủ ?
- Trẻ nút vú có hiệu quả và nuốt sữa tốt.
- Trẻ ngủ êm sau khi bú mẹ.
- Trẻ đi tiểu nhiều khi bú đủ sữa (ít nhất 2 – 4 lần/ngày) và có đi tiêu.
- Trong tuần đầu trẻ có thể sụt cân sinh lý khoảng 5 – 10% và nếu bú đủ sữa thì trẻ sẽ bắt đầu tăng cân sau đó.
Cho bé ợ hơi sau bú:
- Cần cho trẻ ở tư thế đầu cao và vỗ lưng cho bé ợ hơi trong hoặc sau khi cho bú.
- Nên cho bé ợ hơi sau bú để tránh bé bị chướng hơi, khó chịu và nôn trớ.
- Chú ý cho trẻ nằm đầu chếch khoảng 15 đến 30 độ khi bé ngủ sau cữ bú để tránh nguy cơ hít sặc khi bé nôn trớ.
Nên tránh tư thế cho trẻ nằm sấp mà không theo dõi vì trẻ dễ có nguy cơ đột tử và cũng không nên để quá nhiều gối hay thú nhồi bông quanh trẻ vì dễ gây cho trẻ ngạt thở nếu các vật này đè vào mũi bé.
Ngoài ra, bạn cũng nhớ chăm sóc núm vú của bạn khỏe mạnh, sạch sẽ
Trước và sau khi cho bé bú, bạn có thể dùng khăn mềm và nước ấm để vệ sinh vú. Mỗi khi cho trẻ bú xong, bạn hãy nhớ rửa sạch ngay sau đó hoặc sau mỗi lần tắm. Sau đó lau núm vú cho thật khô. Tuyệt đối, không nên bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch diệt khuẩn trên vùng ngực, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú.
Hãy nhỏ một vài giọt sữa mẹ và xoa lên quầng vú sau đó để tự khô. Nếu bạn thấy vùng này da quá khô và bị nứt, thì nên xoa kem có tỷ lệ lanolin cao xung quanh vùng quầng vú và núm vú.
Bạn hãy để cho núm vú của mình được tiếp xúc nhiều với không khí. Việc dùng miếng lót sữa và áo lót ngực bằng sợi tổng hợp sẽ gây thoát khí kém. Tốt nhất là bạn hãy chọn cho mình một cái áo lót thoải mái riêng để cho bú, cả ngày lẫn đêm trong những tuần đầu. Một cái áo lót quá chật có thể làm tắc các ống dẫn sữa.
Một số ngộ nhận khi cho bé bú
Nhiều người mẹ sinh xong không cho con bú ngay vì cho rằng mình chưa có sữa. Tuy nhiên, bé bú càng sớm, sữa càng tiết nhanh; bé bú càng nhiều, sữa càng dồi dào.
Do sữa non rất giàu năng lượng, bé chỉ cần một lượng ít là đủ nên người mẹ không cảm nhận được khi cho bú, cứ nghĩ “sữa chưa về”.
Thực ra, từ giữa thai kỳ, cơ thể người mẹ đã có sữa non chứ không đợi đến lúc sinh. Không cho bé bú mẹ, vài ngày sau sinh, người mẹ dễ bị tắc tuyến sữa. Khi ấy, mẹ có thể lấy lược chải lên bầu vú vì đây là một cách mát-xa tuyến vú, điều trị chứng tắc sữa nhẹ.
Cho con bú trong giờ đầu sau sinh sẽ giúp sữa căng sớm trong vòng năm – sáu giờ đầu so với 24 – 48 giờ nếu cho bú muộn. Đối với mẹ sinh mổ thì có thể cho con bú ngay khi mẹ được ra khỏi phòng hồi sức. Nếu mẹ còn đau do vết mổ, thì cho con nằm sấp trên ngực mẹ để bú sữa non.
Sợ hai bầu vú mất cân đối, nhiều người mẹ đã cho bé bú cả hai vú trong cùng một cữ. Nếu mẹ ít sữa thì cả hai vú sẽ được bé “thanh toán” hết trong một lần bú, nhưng nếu nhiều sữa, bé chỉ bú vơi chứ không thể cạn cả hai vú, như thế làm hạn chế kích thích tiết sữa.
Điều đáng nói là khi bé bú chưa cạn vú mà mẹ đã chuyển sang bú bên kia thì bé chỉ mới được hấp thu sữa chưa đầy đủ dưỡng chất, nên chậm tăng cân. Sữa mẹ đã được cân bằng dưỡng chất, đủ nước nên không cần cho bé uống nước.
Người mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu chứ không nên cho bú theo giờ. Tuy nhiên, bé sơ sinh thường ngủ nhiều, mẹ cần phải đánh thức bé và cho bú cách khoảng hai giờ một lần.
Bé thiếu tháng cũng có xu hướng lười bú, mẹ cần canh giờ cho bú chứ không đợi bé khóc đòi. Tuần đầu đời, bé dễ bị vàng da, nếu không cho bú đủ từ 8-12 lần/ngày thì chứng vàng da sẽ nặng thêm.
Hiện đang có phong trào các bà bầu vắt sữa non và trữ trong ngăn đá tủ lạnh, đợi bé chào đời sẽ cho bú vì sợ bé bú sữa công thức sẽ gây tổn thương các bộ phận cơ thể còn non yếu. Việc này là không nên.
Dù sữa non rất giàu năng lượng, giàu kháng thể, giúp bé không bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt… nhưng để trữ lâu ngày phải bảo quản với điều kiện nhiệt độ, môi trường khắt khe.
Bảo quản sai cách, sữa sẽ mất hoạt tính, hơn nữa, việc vắt sữa dễ bị nhiễm khuẩn, vô tình gieo nguy hiểm cho bé. Ít ai có điều kiện để sắm riêng một tủ lạnh chuyên dành trữ sữa, nếu trữ chung với các thực phẩm khác, rất dễ bị lây nhiễm chéo. Chưa kể việc vắt sữa, kích thích đầu vú là nguy cơ dẫn đến sinh non.
Như vậy với những mẹo cho con bú đúng cách, bí quyết cho trẻ bú dễ dàng, ở trên đã giúp các mẹ yên tâm hơn khi nuôi con bằng sữa mẹ rồi chứ. Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng quý giá mà khó loại sữa nào có thể so sánh được. Vì thế hãy nuôi con bằng sữa mẹ và đặc biệt cần cho trẻ bú sữa non, cho bé ăn sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu để đảm bảo sự phát triển toàn diện của con nhé.
Cách cho bé bú chính xác nhất
Reviewed by Unknown
on
tháng 10 15, 2016
Rating:
Post a Comment